ACBS ưu tiên cổ phiếu ổn định trong nửa cuối 2025, cảnh báo rủi ro từ chính sách thuế Mỹ

15/07/2025 - 03:40
(Bankviet.com) Rủi ro thuế quan và bất định chính sách tiếp tục phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. ACBS khuyến nghị chiến lược phòng thủ, tập trung vào các ngành có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định.
Chọn chuyên mục

ACBS ưu tiên cổ phiếu ổn định trong nửa cuối 2025, cảnh báo rủi ro từ chính sách thuế Mỹ

Nhật Linh 14/07/2025 16:33

Rủi ro thuế quan và bất định chính sách tiếp tục phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. ACBS khuyến nghị chiến lược phòng thủ, tập trung vào các ngành có khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định.

Trước bối cảnh vĩ mô toàn cầu nhiều bất định, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận ổn định và ít chịu tác động trực tiếp từ biến động bên ngoài. Sáu nhóm ngành được ACBS ưu tiên cho nửa cuối năm 2025 gồm: ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hóa chất – phân bón và bất động sản dân dụng.

Hình ảnh minh họa
Trước những rủi ro về chính sách và tăng trưởng, ACBS lựa chọn chiến lược đầu tư thận trọng, tập trung vào nhóm ngành ít biến động

Vĩ mô toàn cầu chịu sức ép từ hai rủi ro lớn

Theo đánh giá của ACBS, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai rủi ro trọng yếu: xung đột địa chính trị và chiến tranh thương mại kéo dài; chính sách tiền tệ thắt chặt với chi phí lãi suất cao trong bối cảnh rủi ro nợ công gia tăng ở nhiều quốc gia. Tình hình càng trở nên phức tạp sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành chính sách thuế quan vào ngày 2/4/2025, khiến nhiều tổ chức quốc tế phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dự phóng tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam
Dự phóng tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam

Cụ thể, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP thế giới xuống 2,8% (giảm 0,4 điểm %), trong khi OECD cũng hạ từ 3,3% về 2,9%. ACBS nhấn mạnh rủi ro lớn nhất không nằm ở mức thuế cụ thể, mà là sự thiếu chắc chắn trong các quyết sách của chính quyền mới tại Mỹ, khiến nhà đầu tư toàn cầu dè dặt và gia tăng nắm giữ các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu và cổ phiếu tại các thị trường có định giá hấp dẫn như Nhật Bản, Đức hoặc châu Âu.

Việt Nam vẫn giữ được nội lực, nhưng tăng trưởng bị thách thức

Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Dù các cuộc đàm phán gần đây cho thấy Việt Nam vẫn giữ được ưu đãi nhất định cho hàng xuất khẩu với mức thuế nguyên tắc 20%, nhưng mức thuế lên tới 40% đối với hàng trung chuyển có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khu vực FDI.

Tuy vậy, ACBS đánh giá nền tảng tăng trưởng trong nước vẫn được duy trì nhờ chiến lược phát triển kinh tế nội lực, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và mở rộng quan hệ ngoại giao. Việt Nam đang hưởng lợi từ đầu tư công, tiêu dùng nội địa phục hồi và dòng vốn FDI dịch chuyển sau các căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, những rủi ro vĩ mô vẫn khiến một số tổ chức điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025. IMF hạ mạnh về mức 5,2%, còn ACBS giảm xuống 6,5 – 7%, thấp hơn so với mức 7 – 7,5% đưa ra trước đó.

Cơ hội đến từ tiến trình nâng hạng và dòng tiền ngoại

Về thị trường chứng khoán, ACBS đánh giá Việt Nam đang tiến gần đến tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp nhờ các bước tiến về hạ tầng, đặc biệt là việc triển khai hệ thống KRX từ tháng 5/2025 và Nghị định Non-prefunding. Nếu được FTSE công nhận trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, đây sẽ là cú huých lớn đối với dòng vốn tổ chức nước ngoài và thanh khoản thị trường.

Biểu đồ định giá các doanh nghiệp trên sàn HOSE
Biểu đồ định giá các doanh nghiệp trên sàn HOSE

ACBS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết (chiếm 53% vốn hóa HOSE) tăng 11,6% trong năm 2025. Thanh khoản cũng được dự báo cải thiện 20% so với năm 2024, chủ yếu nhờ sự quay lại của dòng vốn ngoại khi thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn về định giá.

Chiến lược đầu tư nửa cuối năm: Ưu tiên ổn định, tránh rủi ro thuế quan

Trước những bất định về chính sách và môi trường toàn cầu, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro bên ngoài. Sáu ngành được ưu tiên gồm: ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hóa chất – phân bón và bất động sản dân dụng.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu có mức độ rủi ro cao hơn do liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu – như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su – cùng với bất động sản khu công nghiệp và logistics, cần được xem xét kỹ lưỡng khi đưa vào danh mục.

Nhật Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán