Chiều ngày 22/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) về kết quả đánh giá quản lý nợ công của Việt Nam theo khung DeMPA năm 2024. Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng coi trọng công tác quản lý nợ như một trụ cột của ổn định tài khóa và phát triển bền vững.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia WB đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính, đồng thời chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực quản lý nợ công đóng vai trò then chốt và cần được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong giai đoạn mới với nhiều thách thức và yêu cầu đổi mới.

Báo cáo đánh giá DeMPA do WB thực hiện đã ghi nhận những bước tiến rõ rệt của Việt Nam trong quản lý nợ công kể từ khi Luật Quản lý nợ công được ban hành năm 2017. Báo cáo đánh giá hiệu quả tổng thể của Việt Nam ở mức tốt, đồng thời ghi nhận các cải cách về khuôn khổ pháp lý, các thủ tục thực hiện, cũng như cơ chế phối hợp trong tổ chức điều hành. Một số điểm mạnh nổi bật được chỉ ra bao gồm việc xác định rõ thẩm quyền và mục tiêu vay nợ; chất lượng của chiến lược quản lý nợ được duy trì tốt và công bố định kỳ; các hoạt động kiểm toán tài chính và tuân thủ được thực hiện hàng năm, giúp đảm bảo tính minh bạch và kỷ luật tài khóa.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng nêu rõ một số lĩnh vực mà Việt Nam cần tiếp tục cải thiện. Theo ông Lars Jassen – Chuyên gia trưởng về Quản lý nợ của WB – hiện nay kế hoạch vay nợ hàng năm của Việt Nam vẫn thiếu các chỉ tiêu định lượng về rủi ro; hoạt động kiểm toán hiệu quả và các báo cáo phân tích bền vững nợ (DSA) chưa được triển khai đầy đủ; công tác báo cáo trước Quốc hội về nợ công chưa thực sự công khai theo thông lệ quốc tế. Đây là những yếu tố mà WB khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng để nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống quản lý nợ công.

Trên tinh thần cầu thị và hợp tác, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ phía WB. Ông cho biết, Bộ Tài chính đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, đồng thời triển khai đồng bộ các công cụ quản lý dữ liệu, báo cáo và thống kê để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia WB, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà báo cáo DeMPA đã đề cập như công cụ chiến lược, kế hoạch vay nợ, cơ sở dữ liệu thông tin và chế độ công bố thông tin nợ công.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nợ công. Ông đề nghị WB tiếp tục phối hợp với đầu mối là Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại, cũng như các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, nhằm cùng nhau thúc đẩy quá trình cải cách, xây dựng một nền tài chính bền vững và minh bạch hơn trong tương lai.
DeMPA là công cụ đánh giá hiệu quả công tác quản lý nợ, gồm bộ 15 chỉ số (DPI) phản ánh toàn diện các hoạt động quản lý nợ của chính phủ và môi trường thực hiện các hoạt động này. Các chỉ số được chia theo 5 nhóm chức năng chính: (1) Quản trị và xây dựng chiến lược; (2) Phối hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ; (3) Vay nợ và các hoạt động tài chính liên quan; (4) Dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ; (5) Quản lý rủi ro hoạt động và ghi nhận nợ.
Mỗi chỉ số DPI được chấm theo các mức A, B, C, D, trong đó: A là thông lệ tốt, B đạt mức giữa, C đáp ứng tối thiểu, D là chưa đạt yêu cầu, và NA là không áp dụng.
Việc cập nhật đánh giá DeMPA có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ triển khai tổng thể Luật Quản lý nợ công 2017, theo dõi tiến bộ so với kỳ đánh giá năm 2011, đồng thời xác định các lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện.