“Đầu tàu” ngành dệt may báo lãi hợp nhất cao nhất 3 năm, vẫn dè chừng trước thách thức thuế quan

20/07/2025 - 10:53
(Bankviet.com) Doanh nghiệp đầu ngành dệt may báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, lợi nhuận tăng gấp đôi nhưng vẫn thận trọng trước rủi ro thương mại và áp lực từ nguyên liệu nhập khẩu.
Cáo bạch tài chính

“Đầu tàu” ngành dệt may báo lãi hợp nhất cao nhất 3 năm, vẫn dè chừng trước thách thức thuế quan

Hồng Giang 19/07/2025 21:50

Doanh nghiệp đầu ngành dệt may báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, lợi nhuận tăng gấp đôi nhưng vẫn thận trọng trước rủi ro thương mại và áp lực từ nguyên liệu nhập khẩu.

Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 49% và 66% kế hoạch cả năm. Tuy vậy, lãnh đạo Tập đoàn cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là từ thị trường Hoa Kỳ và sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu là vải từ Trung Quốc.

Theo đó, chiều ngày 18/7, Vinatex tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 và đánh giá người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng Giám đốc thường trực VGT cho biết, doanh thu hợp nhất trong nửa đầu năm đạt gần 9.048 tỷ đồng, hoàn thành hơn 49% kế hoạch năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ 2024.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 598 tỷ đồng, tương đương gần 66% kế hoạch năm và tăng trưởng 112% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận bán niên cao nhất trong vòng 3 năm qua của Tập đoàn.

dệt may
Vinatex ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 66% kế hoạch năm và tăng trưởng 112% so với cùng kỳ, nhưng vẫn lo rủi ro từ Mỹ và phụ thuộc nhập khẩu vải

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu chủ lực của VGT vẫn là Hoa Kỳ, chiếm 43,8% tổng kim ngạch, bên cạnh các thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Trung Quốc. Tập đoàn hiện có gần 48.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ tuy vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro bị áp thuế cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nhập khẩu tới 65% vải từ Trung Quốc - quốc gia đang bị siết chặt kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Theo ông Trường, Tập đoàn cần khẩn trương rà soát, phân loại và xác định rõ các loại vải có khả năng nội địa hóa để chủ động về nguyên liệu. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với khách hàng nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường nhập phụ liệu từ nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và đẩy mạnh chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc.

Tổng Giám đốc Vinatex - ông Cao Hữu Hiếu đánh giá kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm là dấu hiệu rõ rệt của sự phục hồi sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Ông cho rằng các đơn vị trong hệ thống đã chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược và lực lượng sản xuất, giúp nắm bắt tốt cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại.

Dù vậy, ông Hiếu cũng cảnh báo rằng 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều biến động khó lường, đặc biệt là các chính sách thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và chi phí xuất khẩu.

Do đó, VGT đặt ra yêu cầu toàn hệ thống phải tiếp tục tăng năng suất lao động, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời lấy công tác thị trường làm “đầu kéo” trong vận hành sản xuất kinh doanh.

Về chiến lược dài hạn, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đặt mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn 2025 - 2030: lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn tăng gấp đôi so với năm 2024 (ước khoảng 1.700 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận riêng tăng gấp ba (ước đạt 470 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt được các chỉ tiêu này, VGT cần đổi mới phương thức quản trị, tránh lối mòn vận hành cũ và thúc đẩy sự nhất quán trong hành động, tư duy sáng tạo, cùng sự đột phá về chất lượng tăng trưởng trong toàn bộ hệ thống doanh nghiệp thành viên.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán