Đề xuất nâng gấp đôi công suất KRX, chia lại bảng cổ phiếu HOSE để sẵn sàng nâng hạng thị trường
VNX đề xuất nâng công suất hệ thống KRX lên 10 triệu lệnh/ngày và phân bảng cổ phiếu HOSE nhằm đảm bảo vận hành an toàn, chuẩn bị cho nâng hạng thị trường. Việc tiếp nhận cổ phiếu HNX dự kiến sau quý 2/2026.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa đề xuất nâng công suất hệ thống KRX từ 4,5 triệu lên 10 triệu lệnh/phiên và phân loại cổ phiếu niêm yết trên HOSE thành hai bảng, nhằm chuẩn bị cho lộ trình sắp xếp lại thị trường và đón đầu cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán.

Trong thông báo mới nhất, VNX nhấn mạnh việc nâng cấp hệ thống là bước đi cần thiết để đảm bảo hoạt động ổn định trước khi thực hiện chuyển giao cổ phiếu niêm yết từ HNX sang HOSE, theo lộ trình Thông tư 69/2023/TT-BTC. VNX đã phối hợp với HOSE, HNX và VSDC đánh giá tổng thể về hạ tầng giao dịch, năng lực xử lý lệnh, hệ thống lưu ký – thanh toán cũng như nguồn lực nhân sự, từ đó xây dựng phương án triển khai cụ thể và điều chỉnh lộ trình phù hợp.
Hệ thống KRX có nguy cơ quá tải nếu chưa nâng cấp
Kể từ khi hệ thống KRX chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025, HOSE đã ghi nhận ngày cao điểm với hơn 2,1 triệu lệnh, HNX khoảng 1,1 triệu lệnh – tương đương gần 72% công suất thiết kế. Theo thông lệ quốc tế, khi hệ thống chạm ngưỡng 70% công suất, cần chủ động nâng cấp để tránh rủi ro nghẽn lệnh, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường có xu hướng tăng lên nhờ triển vọng nâng hạng và phục hồi kinh tế.
Hiện tại, hệ thống KRX chỉ hỗ trợ tối đa 2.000 mã chứng khoán. Việc chuyển toàn bộ cổ phiếu niêm yết từ HNX sang HOSE có thể khiến hệ thống chạm ngưỡng giới hạn và gặp rủi ro vận hành. Do đó, VNX đề xuất nâng công suất xử lý lệnh gấp đôi, lên mức 10 triệu lệnh/ngày.
Theo lộ trình, HOSE sẽ ký hợp đồng với nhà thầu KRX trong quý 3/2025, và nếu không phát sinh chậm trễ, quá trình nâng cấp có thể hoàn tất vào cuối quý 2/2026. Đồng thời, hệ thống lưu ký, bù trừ của VSDC cũng sẽ được nâng cấp tương thích.
Cần thêm nhân lực để tiếp nhận và vận hành
Về nguồn nhân lực, HNX hiện có khoảng 30–40 người quản lý hơn 300 mã cổ phiếu. Khi toàn bộ số mã này chuyển sang HOSE, khối lượng công việc và yêu cầu giám sát sẽ tăng mạnh. HOSE dự kiến tuyển thêm 40 nhân sự, tập trung vào các mảng quản lý niêm yết, giám sát giao dịch và công bố thông tin. Thời gian đào tạo từ 3–6 tháng.
Trong khi đó, HNX sẽ tập trung nguồn lực vào thị trường UPCoM và chuẩn bị triển khai các thị trường mới như giao dịch các bon và cổ phiếu doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đề xuất chia cổ phiếu HOSE thành hai bảng: Premium và Standard
Một trong những điểm mới đáng chú ý là đề xuất phân bảng cổ phiếu niêm yết trên HOSE thành hai nhóm: bảng chính (Premium Board) và bảng công ty cơ bản (Standard Board). Việc phân loại dựa trên 5 trong 6 tiêu chí tại Điều 109, Nghị định 155/2020/ND-CP (không xét tiêu chí giá trị vốn hóa), giúp đảm bảo minh bạch, phân tầng chất lượng doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế.
Phân bảng cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp nhận cổ phiếu từ HNX, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và phân loại doanh nghiệp theo tiêu chí cụ thể, đồng thời hỗ trợ HOSE trong công tác giám sát và phát triển thị trường.
Điều chỉnh Thông tư 69 và Quyết định 37 để phù hợp lộ trình mới
Do hệ thống nâng cấp và nhân sự bổ sung dự kiến hoàn tất vào quý 2/2026, nên việc tiếp nhận cổ phiếu từ HNX sẽ được triển khai sau thời điểm này, và hoàn tất trước ngày 31/12/2026. Vì vậy, VNX kiến nghị sửa đổi Thông tư 69/2023/TT-BTC theo hướng điều chỉnh lộ trình phù hợp.
Đồng thời, trong trường hợp HNX tiếp tục quản lý thị trường UPCoM và phát triển các sản phẩm mới, cần sửa đổi Quyết định 37/2020/QĐ-TTg. VNX cho biết đã cử đại diện tham gia tổ soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 69 và sẽ phối hợp với các ban chuyên môn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hoàn thiện phương án triển khai phù hợp nhất.