Doanh nghiệp dệt may phía Bắc lập đỉnh lợi nhuận, kín đơn hàng đến cuối năm 2025

23/07/2025 - 19:22
(Bankviet.com) Doanh nghiệp dệt may phía Bắc ghi nhận lợi nhuận quý cao nhất lịch sử, tăng tốc mở rộng sản xuất với đơn hàng xuất khẩu kín lịch đến cuối năm 2025.
Cáo bạch tài chính

Doanh nghiệp dệt may phía Bắc lập đỉnh lợi nhuận, kín đơn hàng đến cuối năm 2025

Hồng Giang 23/07/2025 06:44

Doanh nghiệp dệt may phía Bắc ghi nhận lợi nhuận quý cao nhất lịch sử, tăng tốc mở rộng sản xuất với đơn hàng xuất khẩu kín lịch đến cuối năm 2025.

Lập kỷ lục lợi nhuận nhờ tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát chi phí

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là quý có mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp dệt may này.

Trong quý II/2025, TNG ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán cũng tăng đáng kể nên lợi nhuận gộp chỉ đi ngang, giữ ở mức 358 tỷ đồng.

Dù vậy, nhờ hoạt động tài chính khởi sắc, chi phí vận hành được kiểm soát tốt và không còn khoản lỗ ngoài hoạt động kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của TNG vẫn tăng mạnh 39% lên 120 tỷ đồng.

tng.jpg
Hoàn thành gần 50% kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng,TNG bứt phá nhờ đơn hàng lớn và chiến lược kiểm soát chi phí

Hoạt động tài chính là điểm sáng nổi bật trong quý khi doanh thu từ mảng này đạt 30 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính được tiết giảm 21%, xuống còn 97 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm, góp phần giúp TNG duy trì tỷ suất sinh lời tích cực bất chấp áp lực chi phí đầu vào.

TNG lý giải rằng kết quả tăng trưởng ấn tượng đến từ việc doanh nghiệp tập trung khai thác các dòng hàng may mặc kỹ thuật cao, có tính phức tạp nhằm gia tăng giá trị gia công. Bên cạnh đó, công ty đã mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới, với đơn hàng từ thị trường châu Âu chiếm 50%, Mỹ chiếm 26% và Nga chiếm 10%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu.

Trong hoạt động sản xuất, TNG tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tự động hóa nhằm tối ưu chi phí và nâng cao năng suất. Doanh nghiệp đầu tư vào các thiết bị hiện đại như xe tự hành AGV, băng chuyền tự động, chuyền treo trong sản xuất, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo (điện áp mái) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ vậy, năng suất lao động được cải thiện rõ rệt thông qua kiểm soát thời gian làm việc, đào tạo nhân lực và giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, TNG còn chủ động điều chỉnh cấu trúc nguồn vốn, hạn chế vay ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro tỷ giá trong bối cảnh biến động mạnh của đồng USD. Điều này giúp chi phí tài chính không bị ảnh hưởng bởi việc đánh giá lại gốc vay vào cuối kỳ.

Tăng tốc mở rộng sản xuất, hoàn thành gần 50% kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, TNG ghi nhận doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng 25%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm. Năm nay, TNG đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của TNG đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 50% lên 1.557 tỷ đồng, các khoản phải thu tăng hơn 70% lên 1.265 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm 25%, còn lại 528 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nợ phải trả tăng 27% so với đầu năm, lên gần 4.966 tỷ đồng. Mức tăng chủ yếu đến từ vay thuê tài chính ngắn hạn, tăng vọt 72% lên 2.763 tỷ đồng. Trong khi đó, vay dài hạn giảm 16%, từ 1.093 tỷ đồng xuống còn 918 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, TNG đã phê duyệt chủ trương vay tối đa 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thái Nguyên trong năm 2025 nhằm bổ sung vốn lưu động và tài trợ thương mại. Trước đó, vào cuối năm 2024, công ty đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng, chủ yếu được phân phối cho các nhà đầu tư tổ chức.

Hiện TNG đang mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng lượng đơn hàng đã ký kết đến hết quý IV/2025. Doanh nghiệp dự kiến mở thêm 10 chuyền may mới và tuyển dụng thêm 1.000 lao động. Theo định hướng chiến lược, TNG sẽ tiếp tục ưu tiên các đơn hàng kỹ thuật cao nhằm nâng cao biên lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh ngành dệt may ngày càng khốc liệt.

Về cơ cấu tài chính, TNG hiện có vốn điều lệ 1.226 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 290 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối gần 165 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TNG đang giao dịch quanh mức 21.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 40% trong vòng 3 tháng qua. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đạt gần 2.600 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh bình quân khoảng 1,5 triệu cổ phiếu mỗi ngày.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán