Doanh nghiệp gạo Việt quy mô 500 triệu USD sáng cửa tiến vào quốc gia của các "vũ công Samba", lật ngược thế cờ vốn đang khó
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi hợp tác đầu tư song phương, mang lại nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp có tiếng ngành xuất khẩu gạo.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Brazil diễn ra chiều 5/7 tại Rio de Janeiro với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và khoảng 80 doanh nghiệp hai nước. Sự kiện mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, hàng không, năng lượng và viễn thông.

Diễn đàn do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức, có sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Luis Renato Alcantara Rua, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Brazil Inacio Arruda, cùng đại diện 50 doanh nghiệp Việt Nam và 30 doanh nghiệp Brazil.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Brazil, khẳng định đây là hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao: “Những gì Brazil thiếu thì Việt Nam có tiềm năng, những gì Brazil có thế mạnh thì Việt Nam cần”.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước cụ thể hóa các cam kết cấp cao thành các dự án hợp tác thực chất, cùng nhau phát triển trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thương mại hai chiều hướng tới mốc 15 tỷ USD
Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và đứng thứ hai tại châu Mỹ. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 34% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ Latin. Trong 5 tháng đầu năm 2025, trao đổi thương mại hai chiều đạt 3,33 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch lên 15 tỷ USD vào năm 2030.
Tại diễn đàn, các tập đoàn hàng đầu của hai nước như Embraer, JBS, Cargill (Brazil) và PVN, Viettel, Lộc Trời (Việt Nam) đã chia sẻ nhiều định hướng hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như hàng không, nông nghiệp, công nghiệp nặng, năng lượng và chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp Brazil bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam – quốc gia được đánh giá là cửa ngõ vào khu vực ASEAN với tiềm năng tăng trưởng cao.
Đáng chú ý, hai bên cam kết mở cửa thị trường nông sản cho nhau. Brazil đã xuất khẩu lô thịt bò đầu tiên sang Việt Nam và đang xúc tiến nhập khẩu thêm thủy sản, gạo từ Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra, cá rô phi và đang mở rộng thị phần nông sản vào thị trường Brazil. Hai nước cũng nhất trí tiến tới ký kết hiệp định đảm bảo an ninh lương thực, trong đó có kế hoạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Brazil để ổn định nguồn cung.
Thủ tướng gợi ý doanh nghiệp Việt có thể nghiên cứu đầu tư sản xuất gạo ngay tại Brazil, trong khi doanh nghiệp Brazil có thể đầu tư chăn nuôi và chế biến thịt tại Việt Nam. Đề xuất này mở ra hướng đi song phương mới, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tối ưu chi phí và tiếp cận sâu hơn vào thị trường nội địa của đối tác.
Lộc Trời đặt kỳ vọng tại thị trường Brazil hơn 210 triệu dân
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác lần này, Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới tại thị trường Brazil – nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới với dân số hơn 210 triệu người.
Lộc Trời hiện là doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô tài sản gần 500 triệu USD, sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ giống, phân bón đến chế biến và xuất khẩu gạo. Với thương hiệu gạo đã được công nhận trên nhiều thị trường quốc tế, Lộc Trời có tiềm năng lớn để mở rộng kênh phân phối tại Mỹ Latin – khu vực đang cần đa dạng hóa nguồn cung lương thực.
Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT Lộc Trời là một trong những lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp. Việc trực tiếp tham gia đoàn công tác cho thấy quyết tâm tìm kiếm cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với biến động giá cả và cạnh tranh gay gắt ở châu Á.
Nếu tận dụng tốt tiềm lực sản xuất, uy tín thương hiệu và cơ hội từ hiệp định an ninh lương thực sắp ký, Lộc Trời hoàn toàn có thể tạo ra bước ngoặt trong chiến lược toàn cầu hóa, gia tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.