Đường sắt cao tốc Bắc-Nam thêm nóng với chuỗi dự án hàng trăm tỷ USD

22/07/2025 - 18:40
(Bankviet.com) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Hà Nội xác định địa điểm dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt gần 18.000 tỷ đồng, là trụ cột để thực hiện hóa chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050.
Chuyển động

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam thêm nóng với chuỗi dự án hàng trăm tỷ USD

Cao Trung 22/07/2025 11:18

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Hà Nội xác định địa điểm dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt gần 18.000 tỷ đồng, là trụ cột để thực hiện hóa chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu UBND TP. Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương xác định địa điểm, quy mô và ranh giới dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất xây dựng tại khu vực phía Nam Thủ đô.

duongsatcaotoc1.png
Tổ hợp công nghiệp đường sắt là một trong những trụ cột để thực hiện hóa chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050

Gỡ vướng địa điểm, đẩy nhanh chiến lược nội địa hóa đường sắt

Văn bản chỉ đạo do Văn phòng Chính phủ phát hành, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu Hà Nội căn cứ vào quy định của Luật Xây dựng và Luật số 90/2025/QH15 để xác định rõ ranh giới, quy mô, địa điểm triển khai tổ hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp, thẩm định tính pháp lý của hình thức đầu tư và thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn Hà Nội cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Trường hợp phát sinh nội dung vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định.

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tổ hợp công nghiệp đường sắt dự kiến được đặt tại khu vực các xã Chuyên Mỹ và huyện Ứng Hòa, Hà Nội – nơi có quỹ đất rộng và vị trí thuận lợi kết nối với hành lang hạ tầng đường sắt hiện hữu.

Tham vọng làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao

Tổ hợp công nghiệp đường sắt do VNR đề xuất là dự án có ý nghĩa chiến lược trong kế hoạch nội địa hóa công nghệ và tự chủ ngành công nghiệp giao thông đường sắt. Với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 17.509 tỷ đồng, tổ hợp này sẽ chia thành hai giai đoạn thực hiện.

Trong giai đoạn đầu (2029–2031), tổ hợp sẽ lắp ráp các sản phẩm đầu máy, toa xe khách có tốc độ dưới 160km/h, tàu điện đô thị và toa xe hàng chạy tốc độ 120km/h. Bước sang giai đoạn hai (từ 2032), tổ hợp đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 30%, đồng thời đầu tư sâu vào sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế.

Đáng chú ý, VNR đặt kỳ vọng lớn vào việc tham gia sâu vào chuỗi sản xuất đoàn tàu tốc độ cao EMU (Electric Multiple Unit) cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Dự kiến đến năm 2035, tổ hợp sẽ làm chủ công nghệ lắp ráp EMU với tỷ lệ nội địa hóa 20%, và đến giai đoạn 2040–2050, có thể sản xuất tới 80% đoàn tàu tốc độ cao cùng các linh kiện, vật tư phục vụ khai thác.

Theo tính toán, nếu được triển khai đúng tiến độ, tổ hợp này sẽ mang lại tổng doanh thu hơn 228.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2030–2050, với lợi nhuận trung bình 1.141 tỷ đồng/năm và thời gian hoàn vốn khoảng 16 năm.

Đón đầu đại dự án hạ tầng 275 tỷ USD

Tổ hợp công nghiệp đường sắt là một trong những trụ cột để thực hiện hóa chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 275 tỷ USD. Ngoài tuyến cao tốc Bắc – Nam, quy hoạch còn bao gồm nhiều tuyến huyết mạch khác như: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái và các tuyến đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Tuy nhiên, VNR không phải là đơn vị duy nhất chuẩn bị “vào đường đua”. Nhiều doanh nghiệp nội địa đã sớm chủ động đầu tư vào lĩnh vực cơ khí giao thông để tham gia chuỗi cung ứng cho các dự án đường sắt.

Cuộc chơi lớn của ngành cơ khí Việt Nam

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã chốt lịch khởi công nhà máy sản xuất ray thép tàu cao tốc và thép kết cấu vào ngày 19/8/2025 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng và công suất thiết kế 700.000 tấn/năm, nhà máy này là mảnh ghép quan trọng để tăng tỷ lệ nội địa hóa vật liệu thi công đường sắt.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí khác cũng không đứng ngoài cuộc. THACO và Thành Công đang từng bước chuẩn bị năng lực sản xuất đầu máy, toa xe. Tập đoàn Đèo Cả – đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực hạ tầng – đã “bắt tay” với FECON (HoSE: FCN) để nghiên cứu phát triển thiết bị đường sắt. VEAM (UPCoM: VEA) cũng đã bày tỏ mong muốn được tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, kết cấu cơ khí và bảo dưỡng đầu máy toa xe.

Sự nhập cuộc của khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cho thấy bức tranh tổng thể về một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, nội địa hóa cao đang dần được hình thành.

Cao Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán