Giá lúa gạo hôm nay 10/7: IR 50404 đảo chiều tăng giá, thị trường xuất khẩu chờ đột phá từ thỏa thuận Việt – Indonesia

10/07/2025 - 10:13
(Bankviet.com) Giá lúa IR 50404 hôm nay tăng 200 đồng/kg, trong khi các giống khác ổn định. Xuất khẩu gạo kỳ vọng khởi sắc nhờ thỏa thuận chiến lược Việt – Indonesia.
Hàng hóa - Giá cả

Giá lúa gạo hôm nay 10/7: IR 50404 đảo chiều tăng giá, thị trường xuất khẩu chờ đột phá từ thỏa thuận Việt – Indonesia

Kim Dung 10/07/2025 3:02

Giá lúa IR 50404 hôm nay tăng 200 đồng/kg, trong khi các giống khác ổn định. Xuất khẩu gạo kỳ vọng khởi sắc nhờ thỏa thuận chiến lược Việt – Indonesia.

Giá lúa IR 50404 bật tăng, thị trường nội địa duy trì ổn định

Giá lúa gạo hôm nay 10/7 tại tỉnh An Giang và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận sự điều chỉnh tăng ở một số mặt hàng chủ lực, trong đó nổi bật là lúa IR 50404 – loại lúa chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng thu hoạch của vùng.

luade.jpg
Giá lúa IR 50404 hôm nay tăng 200 đồng/kg, trong khi các giống khác ổn định

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa IR 50404 hôm nay đảo chiều tăng 200 đồng/kg, lên mức 5.600 – 5.800 đồng/kg sau nhiều phiên đi ngang. Đây là tín hiệu tích cực giữa thời điểm thị trường lúa gạo nội địa đang chờ đợi xung lực mới từ xuất khẩu.

Các giống lúa còn lại tiếp tục duy trì sự ổn định:

Lúa Nàng Hoa 9 và Đài Thơm 8 (tươi) ở mức 6.000 – 6.200 đồng/kg

OM 18 (tươi): 6.000 – 6.100 đồng/kg

OM 5451: 5.800 – 6.000 đồng/kg

OM 380: 5.700 – 5.900 đồng/kg

Nếp IR 4625 (tươi) và (khô) lần lượt giữ mức 7.300 – 7.500 đồng/kg và 9.500 – 9.700 đồng/kg

Trên thị trường bán lẻ, giá gạo tại các chợ dân sinh của An Giang không ghi nhận thay đổi. Gạo thường ổn định ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg, còn các loại gạo thơm như Jasmine, Hương Lài, Sóc Thái, Nàng Hoa… dao động trong khoảng 16.000 – 22.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng.

Gạo nguyên liệu biến động nhẹ, cám giảm giá

Tại các khu vực khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường gạo nguyên liệu ghi nhận diễn biến trái chiều. Gạo nguyên liệu IR 504 giảm nhẹ 100 đồng/kg, hiện dao động 7.600 – 7.700 đồng/kg. Trong khi đó, OM 18 tiếp tục đà tăng, nhích nhẹ thêm 100 đồng/kg, lên mức 9.600 – 9.700 đồng/kg.

Đối với nhóm phụ phẩm, giá tấm thơm vẫn ổn định ở mức 7.300 – 7.400 đồng/kg, không có biến động mới. Tuy nhiên, giá cám ghi nhận giảm sâu 300 đồng/kg, về mức 7.600 – 7.700 đồng/kg – mức thấp nhất trong vòng hai tuần qua. Điều này có thể gây áp lực tới nhóm ngành chăn nuôi khi chi phí thức ăn đang phụ thuộc lớn vào nhóm phụ phẩm từ lúa gạo.

Giá gạo xuất khẩu đi ngang, kỳ vọng mới từ thị trường Indonesia

Trên thị trường quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đi ngang, đánh dấu chuỗi ngày ổn định kéo dài hơn một tuần. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 382 USD/tấn, bằng với giá của Thái Lan, thấp hơn 4 USD/tấn so với gạo Pakistan và cao hơn 2 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý hơn là thông tin từ Reuters, cho biết Việt Nam sắp ký thỏa thuận xuất khẩu gạo dài hạn với Indonesia – một động thái được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng đơn hàng trong nửa cuối năm 2025.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Indonesia trong 6 tháng đầu năm đã giảm mạnh tới 97%, chỉ đạt 19.000 tấn, do Jakarta cắt giảm lượng nhập để tiêu thụ lượng tồn kho lớn trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp gặp Tổng thống

Indonesia bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil và khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ ngành thúc đẩy triển khai thỏa thuận. Bộ Công Thương sẽ là đơn vị đầu mối phối hợp với Indonesia để hiện thực hóa các mục tiêu xuất khẩu lâu dài, giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường một cách bền vững.

Trong khi đó, Indonesia cũng đang có bước điều chỉnh đáng chú ý trong chính sách sản xuất. Theo tờ Tân Hoa Xã, nước này vừa nâng dự báo sản lượng gạo năm 2026 lên 33,8 triệu tấn, tăng mạnh so với ước tính trước đó là 32 triệu tấn. Kế hoạch này bao gồm mở rộng diện tích trồng lúa, ứng dụng giống mới và tối ưu hóa đất canh tác.

Đây có thể vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành gạo Việt Nam, bởi Indonesia cùng lúc là bạn hàng lớn và là đối thủ tiềm năng trong khu vực ASEAN.

Kim Dung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán