Giá lúa gạo hôm nay 11/7: Giữ ổn định trong nước, gạo Việt bứt tốc trên bản đồ thế giới

11/07/2025 - 03:12
(Bankviet.com) Giá lúa gạo hôm nay 11/7 tại An Giang và ĐBSCL giữ ổn định; gạo Việt xuất khẩu tăng trưởng tốt giữa vòng xoáy khủng hoảng thừa của thị trường thế giới.
Hàng hóa - Giá cả

Giá lúa gạo hôm nay 11/7: Giữ ổn định trong nước, gạo Việt bứt tốc trên bản đồ thế giới

Kim Dung 11/07/2025 3:01

Giá lúa gạo hôm nay 11/7 tại An Giang và ĐBSCL giữ ổn định; gạo Việt xuất khẩu tăng trưởng tốt giữa vòng xoáy khủng hoảng thừa của thị trường thế giới.

Giá lúa gạo nội địa ổn định, nông dân miền Tây bước vào cao điểm thu hoạch vụ hè thu

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, thị trường lúa gạo trong nước hôm nay tiếp tục giữ ổn định. Giá lúa tươi phổ biến dao động trong khoảng 5.600 – 6.200 đồng/kg, không ghi nhận biến động so với hôm qua. Trong đó, các giống Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8 đạt mức cao nhất, từ 6.000 – 6.200 đồng/kg; các giống thông dụng như OM 18 và OM 5451 cũng giữ vững quanh mốc 5.800 – 6.100 đồng/kg.

lua11.jpg
Giá lúa gạo hôm nay 11/7 tại An Giang và ĐBSCL giữ ổn định

Bên cạnh đó, giá nếp IR 4625 (tươi và khô) tiếp tục đi ngang, lần lượt ở mức 7.300 – 7.500 đồng/kg và 9.500 – 9.700 đồng/kg, phản ánh nguồn cung ổn định và chất lượng đầu vụ đang dần cải thiện.

Trên thị trường bán lẻ, giá các loại gạo thương phẩm cũng không biến động, gạo Nàng Nhen tiếp tục đứng ở mức cao 28.000 đồng/kg, gạo thơm Thái hạt dài giữ trong khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg, trong khi gạo trắng thông dụng, Jasmine, Hương Lài vẫn duy trì quanh 16.000 – 22.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu cũng đi ngang. Cụ thể, gạo nguyên liệu OM 380 được thu mua ở mức 7.400 – 7.500 đồng/kg, gạo CL 555 đạt 8.000 – 8.100 đồng/kg. Các phụ phẩm như tấm IR 504 hay cám vẫn duy trì giá cũ, không biến động.

Người dân tại An Giang và Đồng Tháp cho biết vụ hè thu năm nay bắt đầu thuận lợi hơn. Chất lượng lúa cải thiện giúp giá bán nhích lên khoảng 100 – 200 đồng/kg so với đầu vụ. "Thời gian gần đây, lúa Đài Thơm 8 hay OM 5451 đạt chất lượng tốt, được thương lái mua từ 6.100 – 6.200 đồng/kg", nông dân Nguyễn Thành An ở An Giang chia sẻ.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đi ngược chiều thế giới, vươn lên vị trí thứ 2 toàn cầu

Trên thị trường thế giới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 382 USD/tấn, giữ vững so với các phiên trước. Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan và Ấn Độ đang ghi nhận đà giảm: Thái Lan mất 4 USD/tấn, còn 378 USD/tấn, và Ấn Độ giảm 3 USD/tấn xuống 377 USD/tấn. Riêng Pakistan là quốc gia duy nhất có mức tăng, lên 389 USD/tấn.

Giữa bối cảnh khủng hoảng thừa lúa gạo toàn cầu, Việt Nam đang tạo dấu ấn mạnh trên thị trường quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,9 triệu tấn gạo, tăng 8% về sản lượng, mang về 2,54 tỉ USD, dù giá trị giảm nhẹ do giá bình quân giảm 18% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia trong ngành nhận định Việt Nam có cơ hội vượt Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Theo dự báo của USDA, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 7,9 triệu tấn, cao hơn khoảng 1 triệu tấn so với Thái Lan.

Sự tăng trưởng này đến từ hai yếu tố: một là hệ giống lúa hiện đại, đa dạng và phù hợp thị trường như OM5451, OM18, ĐT8, hai là sự năng động trong khâu sản xuất và chế biến. Gạo Việt được đưa ra thị trường trong vòng chỉ 2 tuần sau thu hoạch, giữ được độ tươi mới, điều mà nhiều khách hàng quốc tế như Philippines và Trung Quốc đánh giá rất cao.

Ngoài ra, dòng gạo cao cấp như ST24 và ST25 tiếp tục được Trung Quốc ưa chuộng, trong khi các sản phẩm gạo “xanh” thuộc Đề án 1 triệu ha phát thải thấp đang mở ra cánh cửa vào các thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản.

Kim Dung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán