Giá lúa gạo hôm nay 16/7: Gạo nguyên liệu nhích nhẹ, xuất khẩu Việt Nam bị đối thủ “ép giá”

16/07/2025 - 10:13
(Bankviet.com) Giá lúa gạo hôm nay 16/7 tại Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, riêng gạo nguyên liệu OM 380 tăng nhẹ. Xuất khẩu chịu sức ép từ Thái Lan và Ấn Độ.
Hàng hóa - Giá cả

Giá lúa gạo hôm nay 16/7: Gạo nguyên liệu nhích nhẹ, xuất khẩu Việt Nam bị đối thủ “ép giá”

Ánh Kim 16/07/2025 03:02

Giá lúa gạo hôm nay 16/7 tại Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, riêng gạo nguyên liệu OM 380 tăng nhẹ. Xuất khẩu chịu sức ép từ Thái Lan và Ấn Độ.

Giá lúa gạo nội địa giữ nhịp ổn định, gạo nguyên liệu nhích nhẹ

Theo khảo sát ngày 16/7, thị trường lúa gạo trong nước không có nhiều biến động, vẫn duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu ổn định trong nước và kỳ vọng vào xuất khẩu cuối vụ. Tuy nhiên, gạo nguyên liệu OM 380 ghi nhận tăng nhẹ 50 đồng/kg, cho thấy một số đầu mối bắt đầu thu gom trở lại.

lua16.jpg
Giá lúa gạo hôm nay 16/7 tại Đồng bằng sông Cửu Long ổn định

Gạo nguyên liệu OM 380: 7.700 – 7.850 đồng/kg, tăng 50 đồng

Gạo nguyên liệu CL 555: 8.200 – 8.300 đồng/kg, giữ nguyên

Tấm IR 504: 7.000 – 7.300 đồng/kg

Cám: 7.550 – 7.700 đồng/kg

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa tại tỉnh này vẫn giữ nguyên trong ngày thứ hai liên tiếp – một dấu hiệu cho thấy thị trường đang chờ thêm các tín hiệu rõ ràng hơn từ phía xuất khẩu.

Các mức giá ghi nhận phổ biến gồm:

Lúa OM 18, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8 (tươi): 6.000 – 6.200 đồng/kg

OM 5451: 5.800 – 6.000 đồng/kg

OM 380 (tươi): 5.700 – 5.900 đồng/kg

IR 50404: 5.600 – 5.800 đồng/kg

Nếp IR 4625 (tươi): 7.300 – 7.500 đồng/kg

Nếp IR 4625 (khô): 9.500 – 9.700 đồng/kg

Ở phân khúc tiêu dùng:

Gạo Jasmine, Hương Lài, Nàng Hoa, Nàng Nhen: dao động từ 16.000 – 28.000 đồng/kg

Gạo thường, trắng thông dụng, Sóc Thái, gạo Nhật: ổn định ở mức 13.000 – 22.000 đồng/kg

Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, Việt Nam chịu áp lực từ đối thủ Thái Lan và Ấn Độ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu Việt Nam ngày 15/7 tiếp tục giảm nhẹ, phản ánh áp lực cạnh tranh gia tăng từ thị trường khu vực.

Gạo 5% tấm của Việt Nam: 377 USD/tấn (giảm 5 USD)

Gạo Thái Lan cùng loại: 374 USD/tấn (giảm 4 USD) – thấp nhất thị trường

Gạo Ấn Độ: 375 USD/tấn (giảm 2 USD)

Gạo Pakistan: 388 USD/tấn (giảm 2 USD) – cao nhất thị trường

Giá gạo toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi nguồn cung dồi dào và tồn kho tăng tại các nước sản xuất lớn, điển hình như Thái Lan. Điều này khiến các nước xuất khẩu buộc phải điều chỉnh giảm giá để giải phóng hàng tồn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam có dấu hiệu chững lại giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt

Báo cáo mới từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy xuất khẩu gạo Ấn Độ đã tăng 70% kể từ đầu niên vụ 2024–2025, với sản phẩm chính là gạo đồ giá rẻ, được tiêu thụ mạnh tại châu Phi và Bangladesh – những thị trường vốn là khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Không chỉ vậy, các quốc gia khác như Trung Quốc, Ghana, Senegal và Bờ Biển Ngà cũng tăng lượng gạo nhập khẩu, nhưng Myanmar – đối thủ mới nổi – đang gia tăng sản lượng và xuất khẩu, trở thành nguồn cung cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Theo USDA, giá gạo giảm đã thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng nhẹ, tuy nhiên nhiều khách hàng của Việt Nam hiện đã nhập khẩu đủ lượng cần thiết từ đầu năm và đang có xu hướng giảm tốc độ nhập để theo dõi thị trường.

Trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất khẩu trên 500.000 tấn gạo, thu về khoảng 274 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với các tháng đầu năm. Tính chung 6 tháng đầu 2025, tổng lượng gạo xuất khẩu đạt gần 5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD.

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán