Giá phân bón hôm nay 23/7: Thị trường giữ giá, phân DAP tiếp tục đứng đầu bảng
Giá phân bón trong nước ngày 23/7 tiếp tục đi ngang tại cả miền Trung và Tây Nam Bộ. DAP Hồng Hà hiện vẫn là loại có giá cao nhất.
Giá phân bón nội địa không biến động, DAP giữ vị thế cao nhất
Theo khảo sát từ 2nong.vn, giá phân bón tại thị trường trong nước hôm nay (23/7) không có nhiều biến động so với tuần trước. Các doanh nghiệp và đại lý vẫn duy trì mức giá ổn định, phản ánh cung – cầu chưa có thay đổi lớn và thị trường chưa xuất hiện lực đẩy mới.

Tại miền Trung, phân bón lân Lâm Thao và Văn Điển có giá thấp nhất, dao động lần lượt từ 280.000 – 300.000 đồng/bao và 270.000 – 290.000 đồng/bao. Nhóm NPK phổ biến như 16-16-8 và 20-20-15 tiếp tục giữ giá:
NPK 20-20-15 Đầu Trâu: 950.000 – 980.000 đồng/bao
NPK 20-20-15 Song Gianh: 910.000 – 930.000 đồng/bao
NPK 16-16-8 Đầu Trâu: 720.000 – 740.000 đồng/bao
NPK 16-16-8 Phú Mỹ: 710.000 – 730.000 đồng/bao
Kali Phú Mỹ, Hà Anh: 520.000 – 560.000 đồng/bao
Urê Phú Mỹ: 620.000 – 650.000 đồng/bao
Tại khu vực Tây Nam Bộ, thị trường cũng duy trì sự ổn định tương tự. Đáng chú ý, phân DAP Hồng Hà vẫn giữ vị trí đắt đỏ nhất, giao động trong khoảng 1.250.000 – 1.300.000 đồng/bao. DAP Đình Vũ được bán ở mức thấp hơn, từ 840.000 – 870.000 đồng/bao.
Một số mức giá khác tại miền Tây ghi nhận:
NPK 20-20-15 Ba Con Cò: 870.000 – 900.000 đồng/bao
NPK 16-16-8 Cà Mau, Phú Mỹ, Việt Nhật: khoảng 600.000 – 650.000 đồng/bao
Kali miểng Cà Mau: 500.000 – 530.000 đồng/bao
Urê Cà Mau: 620.000 – 640.000 đồng/bao
Giá phân bón trong nước duy trì ổn định chủ yếu do nguồn cung dồi dào và nhu cầu chưa có đột biến giữa mùa vụ. Tuy nhiên, diễn biến từ thị trường quốc tế có thể tác động đến giá trong thời gian tới.
Nga đẩy mạnh xuất khẩu phân bón, hướng đến chiếm 1/4 thị phần toàn cầu
Trong khi thị trường trong nước lặng sóng, quốc tế đang có những chuyển động lớn. Theo Reuters, Nga – nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới – đặt mục tiêu nâng thị phần toàn cầu từ 20% hiện nay lên 25% vào năm 2030, bất chấp các rào cản thương mại từ châu Âu.
Thông tin được Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phân bón Nga, ông Andrei Guryev, trình bày trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 17/7. Ông khẳng định Nga đang chuyển hướng mạnh sang thị trường BRICS, nơi tiêu thụ khoảng 50% tổng lượng phân bón khoáng toàn cầu.
Nga đang tăng cường xuất khẩu phân bón sang Ấn Độ, với sản lượng tăng gấp 4 lần trong những năm gần đây. Các tập đoàn lớn như Phosagro, Uralkali, Eurochem, Acron và Uralchem đang đẩy mạnh sản xuất phân đạm, kali và phốt phát với kỳ vọng đạt sản lượng 65 triệu tấn vào năm 2025.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các mức thuế mới từ ngày 1/7 và sẽ tăng dần trong ba năm tới, khiến khả năng xuất khẩu của Nga vào EU gần như bị chặn đứng. Trước đây, Nga từng chiếm tới 25% lượng phân bón nhập khẩu của EU.
Ông Guryev dự báo giá phân bón toàn cầu có thể tăng tới 30% trong tương lai do chính sách thuế mới từ EU, từ đó làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và có thể khiến nông dân EU cắt giảm diện tích gieo trồng.