Ba trụ cột trong định hướng chiến lược phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đưa ra định hướng phát triển chiến lược đến 2030 với ba trụ cột: Đầu tư hạ tầng, tái cơ cấu và chuyển đổi số.
Ngày 9/7/2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên. Đại hội có sự tham dự của ông Hồ Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính. Về phía VIMC, tham dự Đại hội có ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc; cùng các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, lãnh đạo công đoàn, các ban chức năng và đông đảo cổ đông đại diện sở hữu.

Vượt kế hoạch năm 2024, củng cố nền tảng cho giai đoạn chiến lược
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, VIMC đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2024. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đạt 3.155 tỷ đồng, tương ứng 131% kế hoạch năm; sản lượng vận tải đạt 19,235 triệu tấn, hoàn thành 143% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, VIMC đã xóa sạch lỗ lũy kế từ cuối năm 2023 và lần đầu tiên chia cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm.
Những thành tựu trên đến từ chiến lược tái cơ cấu quyết liệt, áp dụng mô hình quản trị hiện đại theo tư vấn của Roland Berger, kết hợp hài hòa giữa hoạt động vận hành truyền thống và mô hình linh hoạt mới. Trong năm 2024, Hội đồng quản trị đã ban hành 213 nghị quyết, 88 quyết định điều hành kịp thời, góp phần đưa VIMC hoàn thành và vượt qua mọi chỉ tiêu kinh doanh.
Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch VIMC, nhấn mạnh giai đoạn 2020–2025 là bước ngoặt quan trọng khi Tổng công ty chuyển đổi thành công sang mô hình công ty cổ phần từ tháng 8/2020, đồng thời thực hiện tái cấu trúc toàn diện trong bối cảnh dịch COVID-19.

VIMC đã triển khai loạt dự án lớn nhằm nâng cao năng lực vận hành và mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm:
• Nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn;
• Khởi công bến 3 và 4 tại Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng);
• Xúc tiến Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM);
• Triển khai hai bến tại Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng);
• Phát triển chuỗi logistics nội địa: cảng thủy nội địa Ninh Giang (Hải Phòng), trung tâm logistics Hòa Vang (Đà Nẵng), nghiên cứu phát triển ICD tại Gia Lai, Tây Ninh và Lạch Huyện (Hải Phòng).
Các doanh nghiệp vận tải thành viên cũng từng bước thanh lý tàu cũ, đầu tư thêm tàu mới sau thời gian dài không mở rộng đội tàu. Đây là bước đi trọng yếu trong chiến lược xây dựng chuỗi dịch vụ logistics đồng bộ, toàn quốc, góp phần gia tăng vị thế của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song song đó, VIMC chú trọng đổi mới quản trị, chuyển đổi số, phát triển bền vững, hình thành mô hình “1 hệ thống – 2 trung tâm – 3 chiến lược” làm nền tảng cho bước phát triển đột phá trong tương lai.
Chiến lược đến 2030: Tái cơ cấu – Mở rộng – Số hóa toàn diện
Hội đồng quản trị VIMC xác định 06 định hướng chiến lược lớn đến năm 2030, gồm:
1. Đầu tư hạ tầng cảng biển, logistics, đội tàu container hiện đại, ưu tiên phát triển ICD tại các khu vực chiến lược;
2. Xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt, đẩy mạnh tự động hóa, tích hợp chuỗi cung ứng;
3. Tái cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, xử lý triệt để các vướng mắc tồn đọng;
4. Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đối tác chiến lược trong logistics, tài chính, vận tải biển;
5. Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ IoT, blockchain, điện toán đám mây;
6. Nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng công tác đào tạo và chính sách thu hút nhân tài minh bạch.
Năm 2025 được xác định là năm bản lề, khởi đầu cho giai đoạn phát triển chiến lược mới. VIMC sẽ mở rộng khai thác cảng container, vận tải hàng rời, hàng nông sản và thép, đồng thời tối ưu hóa chi phí khai thác, đầu tư nâng cấp đội tàu container và hệ thống cảng biển, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe.

Tổng công ty cũng tập trung triển khai các sáng kiến chuyển đổi số, phát triển logistics xanh, giảm phát thải, tuân thủ các chuẩn mực môi trường quốc tế, hướng tới vận hành bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội, ông Hồ Công Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính, đánh giá cao nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới và kết quả vượt mục tiêu mà VIMC đã đạt được trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh giai đoạn tới là thời cơ để Tổng công ty khẳng định vị thế trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia.
Đại diện Bộ Tài chính kỳ vọng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đổi mới sáng tạo và đoàn kết nội bộ, góp phần hiện thực hóa chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 và xa hơn.
Tại Đại hội, cổ đông đã tiến hành bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025–2030 gồm 5 thành viên. Ông Lê Anh Sơn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Cảnh Tĩnh được tín nhiệm giữ vai trò Tổng Giám đốc. Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới được kỳ vọng sẽ đưa VIMC bước vào chặng đường phát triển mạnh mẽ, vững vàng vượt sóng và đón đầu các cơ hội chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.