Hòa Phát 6 tháng đầu năm đã ổn, Hoa Sen, Nam Kim thì sao?

07/07/2025 - 18:21
(Bankviet.com) HPG của Hòa Phát đang trở thành đầu tàu của nhóm cổ phiếu thép khi vượt đỉnh tháng 4, trong khi phần lớn cổ phiếu ngành này vẫn chưa hồi phục.
Nhịp đập thị trường

Hòa Phát 6 tháng đầu năm đã ổn, Hoa Sen, Nam Kim thì sao?

Nguyên Nam 07/07/2025 10:01

HPG của Hòa Phát đang trở thành đầu tàu của nhóm cổ phiếu thép khi vượt đỉnh tháng 4, trong khi phần lớn cổ phiếu ngành này vẫn chưa hồi phục.

Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn đang loay hoay tìm lại mức giá trước cú sốc thuế quan đầu tháng 4, HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã âm thầm vượt lên dẫn đầu nhóm ngành thép. Sau sáu tuần liên tiếp tăng giá, cổ phiếu HPG không chỉ vượt VN-Index về mức tăng ngắn hạn mà còn thiết lập mặt bằng giá mới tích cực hơn so với đáy thiết lập hồi tháng 4.

hoaphat771.jpg

Động lực từ chính sách thuế và kỳ vọng quý 2

Dữ liệu từ thị trường cho thấy, đến đầu tháng 7/2025, hơn một nửa số cổ phiếu niêm yết vẫn chưa hồi phục về mức đóng cửa ngày 2/4 – mốc thời gian đánh dấu sự kiện thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại khiến thị trường điều chỉnh sâu. Trong bối cảnh đó, việc HPG không chỉ hồi phục mà còn tăng trưởng lũy kế 4,7% tính từ đáy là một điểm sáng hiếm hoi trong ngành thép, đặc biệt khi so với mức tăng chỉ 1,13% của VN-Index trong tuần giao dịch vừa qua.

Yếu tố chính sách đang đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ cho cổ phiếu Hòa Phát. Cụ thể, cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 23,1% đến 27,83%. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7/2025 và kéo dài trong 5 năm tới.

Đây được xem là yếu tố tích cực với các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa như Hòa Phát Dung Quất và Formosa Hà Tĩnh. Việc hạn chế áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ nhập khẩu sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước có thêm dư địa tăng sản lượng, cải thiện biên lợi nhuận và chủ động hơn trong chiến lược giá.

Dù vậy, để chính sách này thực sự chuyển hóa thành kết quả kinh doanh đột biến, ngành thép vẫn cần thêm thời gian. Một phần do thị trường bất động sản trong nước mới chỉ bắt đầu hồi phục, một phần do tiến độ giải ngân đầu tư công – vốn là động lực tiêu thụ thép lớn – vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương.

Theo dự báo từ Chứng khoán MBS, lợi nhuận ròng quý 2/2025 của Hòa Phát có thể tăng 19% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng bán hàng tăng 15% và giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì xu hướng giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Hòa Phát được kỳ vọng tăng 17% so với cùng kỳ 2024 và hoàn thành khoảng 48% kế hoạch năm – một tỷ lệ khá tích cực trong bối cảnh nửa đầu năm vẫn còn nhiều yếu tố bất định.

Sự phân hóa ngày càng rõ

Trong khi HPG tỏ ra vượt trội thì phần còn lại của ngành thép vẫn chưa bắt nhịp được với đà hồi phục. Hoa Sen (HSG) dù ghi nhận lợi nhuận quý 2 tăng nhẹ nhờ thị trường nội địa, nhưng tổng thể 6 tháng vẫn giảm 6% so với cùng kỳ. Nam Kim (NKG) thậm chí đối mặt với khó khăn lớn hơn khi bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại tại EU và Mỹ, khiến lợi nhuận nửa đầu năm giảm tới 41%.

Với Tôn Đông Á (GDA), tình hình còn áp lực hơn khi thị trường xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn. Dù doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa, nhưng ước tính lợi nhuận nửa đầu năm vẫn giảm đến 54%.

Hòa Phát – người dẫn đầu trong giai đoạn sàng lọc

Những con số trên cho thấy Hòa Phát không chỉ dẫn đầu về quy mô mà còn đang dẫn dắt cả nhóm ngành thép trong chu kỳ phục hồi hậu suy thoái. Tuy nhiên, sự phân hóa cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu. Khi các yếu tố chính sách đang tạo nền, còn thị trường nội địa chưa bùng nổ trở lại, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng vững và định vị thị trường rõ ràng như HPG.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán