Hoa Sen đối mặt cạnh tranh khốc liệt, biên lợi nhuận vẫn nhích nhẹ
Dù xuất khẩu sụt giảm và cạnh tranh nội địa khốc liệt, Hoa Sen vẫn giữ biên lợi nhuận nhích nhẹ nhờ giá HRC hạ sâu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức ngày 26/6/2025.
.jpg)
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo doanh nghiệp, năm 2025 được dự báo sẽ là giai đoạn nhiều thử thách hơn cho hoạt động xuất khẩu, khi xu hướng bảo hộ gia tăng trên toàn cầu khiến các thị trường xuất khẩu truyền thống trở nên kém thuận lợi.
Hiện tại, sản phẩm của Hoa Sen tiêu thụ khoảng 60–65% trong nước và 35–40% xuất khẩu. Trong bối cảnh công suất sản xuất thép mạ tại Việt Nam gấp khoảng 3 lần nhu cầu tiêu thụ nội địa, sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt khi các doanh nghiệp quay lại tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước.
Tuy vậy, Hoa Sen vẫn có lợi thế nhờ hệ thống phân phối rộng khắp với hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sự hồi phục tích cực của lĩnh vực bất động sản giúp sản lượng tiêu thụ thép mạ trong nước tăng từ mức bình quân 70–75 nghìn tấn/tháng lên 80–85 nghìn tấn/tháng trong những tháng đầu năm 2025. Giá thép mạ nội địa cũng được hỗ trợ nhờ chính sách áp thuế nhập khẩu HRC, dù nguồn cung vẫn khá dồi dào nên giá không biến động quá mạnh.
Hiện giá HRC đang được giao dịch quanh mức 500–518 USD/tấn – mức khá thấp trong lịch sử. Nếu giảm sâu hơn, nhiều nhà sản xuất thép có thể buộc phải tạm ngưng hoạt động. VNDirect đánh giá giá HRC sẽ duy trì ổn định quanh vùng này trong quý III/2025 do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và chưa xuất hiện yếu tố hỗ trợ mạnh.
Xét về biên lợi nhuận gộp, mảng phân phối thương mại của HSG có tỷ suất khá phân hóa: thép xây dựng chỉ đạt 2–3%, sơn 15–20%, gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh từ 25–30%. Tuy nhiên, mảng phân phối thương mại hiện chiếm khoảng 10% doanh thu toàn tập đoàn, trong khi biên lợi nhuận gộp tổng thể của công ty giữ ổn định quanh mức 11–12%. Hoa Sen nhập khoảng 40% nhu cầu HRC, phần còn lại được mua trong nước từ Formosa và Hòa Phát.
Ban lãnh đạo cho biết kết quả kinh doanh quý II/2025 vẫn tích cực, lợi nhuận ròng bình quân khoảng 80 tỷ đồng mỗi tháng, tương đương 240 tỷ đồng trong quý. Trong giai đoạn tới, HSG dự kiến tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống Hoa Sen Home với mục tiêu khai trương thêm 30 cửa hàng mỗi năm, song song với việc tăng cường tự động hóa các kho trung tâm.
Xu hướng tiêu thụ giảm tốc
Theo số liệu VNDirect, 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng bán hàng của ba doanh nghiệp thép mạ lớn nhất đều giảm so với cùng kỳ. Toàn ngành giảm 10%, trong đó Hoa Sen giảm 14%, Nam Kim giảm 15%, Tôn Đông Á giảm 4%. Điều này phản ánh đúng dự báo trước đó của các chuyên gia khi sức mua nội địa chưa đủ bù đắp đà sụt giảm xuất khẩu.
Trong quý I/2025, sản lượng tiêu thụ thép mạ của Hoa Sen giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 420.000 tấn. Thị trường nội địa tăng trưởng 41% lên 164.000 tấn, nhưng xuất khẩu giảm mạnh 38%, còn 160.000 tấn. Dù sản lượng sụt giảm, biên lợi nhuận gộp quý I tăng nhẹ lên 12,4% nhờ chi phí nguyên liệu giảm sâu – giá HRC bình quân giảm 10% xuống khoảng 530 USD/tấn, trong khi giá bán chỉ giảm 3%.
VNDirect dự phóng sản lượng bán hàng cả năm 2025 của Hoa Sen sẽ giảm khoảng 7%, nguyên nhân chính do xuất khẩu có thể giảm đến 25%. Công ty dự định dồn trọng tâm tiêu thụ vào thị trường trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Tỷ trọng xuất khẩu dự kiến chỉ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng, giảm so với mức gần 50% năm 2024.
Kết quả kinh doanh và kế hoạch cả niên độ
Tính đến hết 8 tháng niên độ tài chính 2024–2025 (1/10/2024 – 31/5/2025), doanh thu thuần của Hoa Sen đạt hơn 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch lợi nhuận cao nhất đã đề ra.
Trong kế hoạch cả niên độ, Hoa Sen đặt mục tiêu thận trọng hơn so với năm tài chính trước: kịch bản cơ sở dự kiến doanh thu thuần 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng; kịch bản tích cực hơn dự kiến doanh thu 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng.
Năm tài chính 2023–2024, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 39.272 tỷ đồng, tăng 24% so với niên độ trước, lợi nhuận sau thuế đạt 515 tỷ đồng – gấp 17 lần kết quả năm liền trước.
Định giá cổ phiếu và chính sách mua lại
Xét về định giá, VNDirect đánh giá cổ phiếu HSG chưa quá hấp dẫn ở mặt bằng hiện tại. Theo phương pháp P/E dự phóng đến cuối 2026, cổ phiếu giao dịch quanh mức P/E 10 lần, trong khi tăng trưởng lợi nhuận dự kiến chỉ đạt 13% năm 2026. Với P/B, mức ROE kỳ vọng duy trì thấp khoảng 8,3% trong hai năm 2025–2026 khiến cổ phiếu đang được định giá quanh P/B 0,8 lần, chỉ ở mức hợp lý, không phải định giá chiết khấu sâu.
Hoa Sen duy trì kế hoạch mua lại 50–100 triệu cổ phiếu, tương đương khối lượng giao dịch 10–20 ngày trung bình, nhằm ổn định giá cổ phiếu và hạn chế rủi ro định giá xuống quá thấp.
Về tác động chính sách, doanh nghiệp cho biết việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 50% sẽ không ảnh hưởng hoạt động do từ tháng 9/2024, Hoa Sen đã ngừng xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ khi bị khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.