HOSE – 25 năm một hành trình: Hai cổ phiếu tiên phong như đôi bàn tay giữ lửa

14/07/2025 - 22:09
(Bankviet.com) Từ hai mã cổ phiếu REE và SAM, HOSE đã đặt nền móng cho thị trường vốn Việt Nam hiện đại, minh bạch và hội nhập suốt 25 năm qua.
Vĩ Mô

HOSE – 25 năm một hành trình: Hai cổ phiếu tiên phong như đôi bàn tay giữ lửa

Cao Thái 14/07/2025 06:10

Từ hai mã cổ phiếu REE và SAM, HOSE đã đặt nền móng cho thị trường vốn Việt Nam hiện đại, minh bạch và hội nhập suốt 25 năm qua.

Buổi đầu lặng lẽ nhưng không dừng lại

Sau phiên giao dịch đầu tiên với chỉ hai mã cổ phiếu REE và SAM, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn "chạy thử" đầy dè dặt nhưng cũng chất chứa kỳ vọng. Đó là thời kỳ mà mỗi phiên giao dịch chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng bên trong là những nỗ lực âm thầm đặt nền móng pháp lý, kỹ thuật và tâm lý cho một thị trường vốn còn sơ khai.

Từ tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSTC) – tiền thân của HOSE tổ chức giao dịch duy nhất 1 phiên/tuần. Thanh khoản chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi phiên, chủ yếu đến từ REE và SAM. Đến năm 2001, tần suất nâng lên 3 phiên, và từ tháng 4/2002, mới có đủ 5 phiên/tuần như hiện nay. Trong khi đó, toàn thị trường vẫn chưa có Luật Chứng khoán, chưa có hệ thống giám sát hiện đại, chưa có khung pháp lý chuẩn cho doanh nghiệp niêm yết.

Bảng điện tử đơn sơ với hai mã cổ phiếu duy nhất, đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam
REE và SAM bền bỉ giữ lửa, cùng HOSE đi qua những chập chững buổi đầu

Dù vậy, hai mã cổ phiếu đầu tiên vẫn giữ lửa. Giá REE và SAM ổn định, thanh khoản cải thiện dần và dần trở thành biểu tượng cho sự táo bạo và tiên phong.

Từ năm 2001 đến 2005, số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng chậm nhưng đều. Đến cuối năm 2001, có 10 mã cổ phiếu. Sau đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp tên tuổi như VNM, FPT, HAPACO... tạo thành một làn sóng cổ phần hóa gắn liền với niêm yết.

REE và SAM không chỉ là người mở đường, mà còn là tấm gương thành công cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Điển hình như SAM – từng là nhà máy cũ kỹ, thiếu vốn, nhưng sau khi niêm yết, công ty này đã thu về tới 1.700 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần vào năm 2007, giúp doanh nghiệp chuyển mình thành tập đoàn đa ngành.

hose1.png
Nhờ tư duy nhạy bén và tinh thần tiên phong của dàn lãnh đạo buổi đầu - trong đó có vai trò quan trọng của ông Đỗ Văn Trác - SAM Holdings đã từng bước gây dựng tiềm lực vững mạnh, phát triển đa ngành

Từ 2005 đến nay, HOSE tổ chức hơn 584 cuộc đấu giá cổ phần, thu về hơn 240.000 tỷ đồng. Trong đó, 352 đợt IPO gắn với cổ phần hóa đã đóng góp hơn 74.800 tỷ đồng – con số minh chứng cho vai trò của HOSE trong thúc đẩy doanh nghiệp chuyển sang hoạt động công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

HOSE và hành trình tạo lập luật chơi

Không đơn thuần là sàn giao dịch, HOSE còn đóng vai trò trung gian phản hồi thực tiễn đến cơ quan quản lý. Giai đoạn 2000–2006, mọi hoạt động vận hành, giám sát, báo cáo đều theo quy định nội bộ hoặc nghị định tạm thời. Nhưng từ chính thực tế này, HOSE đã tích cực tham gia vào quá trình dự thảo Luật Chứng khoán 2006 – đạo luật đầu tiên điều chỉnh toàn diện hoạt động thị trường vốn tại Việt Nam.

HOSE cũng là nơi thí điểm quy chế niêm yết, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố thông tin bắt buộc, đặt nền móng cho chuẩn mực minh bạch hóa doanh nghiệp.

Phía sau ánh sáng của bảng điện tử phiên giao dịch đầu tiên là hàng loạt áp lực kỹ thuật và vận hành, cơ quan quản lý và đội ngũ chuyên môn căng như dây đàn để mọi thứ diễn ra tròn trịa, thành công
Sau vài năm đầu chỉ khớp lệnh định kỳ và phần mềm nhập bằng tay, từ 2002 - 2005, HOSE đã nâng cấp hệ thống tiến tới khớp lệnh liên tục giúp gia tăng thanh khoản và độ minh bạch

Song song với pháp lý là nỗ lực 'lột xác' về công nghệ. Ban đầu, HOSE chỉ có hệ thống khớp lệnh định kỳ và phần mềm nhập tay. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2002–2005, hệ thống được nâng cấp để tiến tới khớp lệnh liên tục – một bước nhảy giúp gia tăng thanh khoản và độ minh bạch.

Đặc biệt, HOSE đã xây dựng quy trình giám sát giao dịch đầu tiên - ban đầu bằng mắt thường, dần nâng lên bán tự động. Cùng với đó là công tác hậu kiểm từ quy trình thanh toán, lưu ký, bù trừ được chuyển giao cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) thành lập năm 2005, giúp chuẩn hóa và tách biệt các chức năng vận hành.

HOSE trở thành trung tâm vốn hóa và chuẩn mực niêm yết

Sau hơn hai thập niên hình thành và phát triển, HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) đã trở thành nền tảng trung tâm của thị trường vốn Việt Nam, không chỉ về quy mô vốn hóa mà còn về các chuẩn mực minh bạch và quản trị.

Chứng khoán Việt Nam đã đi từ số 0 đến số 1. HOSE là viên gạch đầu tiên tạo ra sự sống cho thị trường vốn.

Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital

Từ thực tiễn vận hành, Chính phủ đã ban hành quy định bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải niêm yết trong vòng một năm sau cổ phần hóa. Điều này biến HOSE thành nơi đo lường hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp. Tính đến năm 2025, gần 50% doanh nghiệp niêm yết trên HOSE là các DNNN sau cổ phần hóa.

Giai đoạn 2005–2024, HOSE đã huy động hơn 520.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu, trong đó riêng ngành tài chính chiếm 230.000 tỷ đồng. VN-Index trở thành “nhiệt kế” phản ánh sức khỏe nền kinh tế, khi các tập đoàn hàng đầu như VIC, VNM, VCB, HPG... chọn HOSE làm nơi định vị thương hiệu và thu hút vốn.

Tính đến giữa năm 2025, HOSE có 391 mã cổ phiếu, 17 quỹ ETF, 201 chứng quyền bảo đảm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 5,12 triệu tỷ đồng, chiếm gần 94% quy mô thị trường cổ phiếu và tương đương 44,5% GDP, trong đó hơn 40 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD.

hose2.png
Sau 25 năm, HOSE hiện là nơi niêm yết của 391 mã cổ phiếu, 17 ETF, 201 chứng quyền bảo đảm; tổng vốn hóa thị trường đạt 5,12 triệu tỷ đồng, chiếm gần 94% giá trị toàn thị trường và tương đương 44,5% GDP

HOSE ngày nay không chỉ là nơi giao dịch chứng khoán, mà còn là trụ cột thiết lập các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin và hiệu quả vốn hóa, góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính khu vực.

Ông Dominic Scriven, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital – một trong những quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam quản lý tổng tài sản khoảng 6 tỷ USD - nhận định việc Việt Nam cho ra đời thị trường chứng khoán là bước chuyển mình mang tính khởi tạo. Theo chuyên gia này, việc đi từ số 0 đến 1 có thể được xem như tạo ra ‘sự sống’ với các khái niệm thị trường – điều chưa từng có trước đó”, ông nói.

Ông cũng cho rằng, dù HOSE đã đạt được nhiều thành quả, nhưng thị trường vẫn còn trong giai đoạn đầu. Các quỹ đầu tư tổ chức chưa đóng vai trò đủ lớn, trong khi nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng chi phối, phụ thuộc nhiều vào tín dụng cầm cố.

Để phát triển bền vững, theo ông Scriven, thị trường cần một nền kinh tế đủ mạnh để tạo ra dòng tiền nhàn rỗi từ người dân và một hệ thống đầu tư chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm. Chứng khoán có thể sinh lời, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư cần hiểu rõ và sẵn sàng tự chịu trách nhiệm.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán