HOSE – 25 năm một hành trình: Hành trình hội nhập và chuẩn hóa
Ở thời điểm bản lề của kỷ nguyên mới, câu chuyện phát triển của HOSE không còn dừng lại ở quy mô nội địa, mà đã vươn đến khát vọng chuẩn mực quốc tế và vị thế trong dòng chảy đầu tư toàn cầu.
Chuẩn hóa thể chế – Nền tảng bền vững cho hội nhập
Trong hành trình nâng hạng và hội nhập quốc tế, cải cách thể chế và nâng chuẩn vận hành thị trường chứng khoán là điều kiện tiên quyết. Những năm gần đây, HOSE cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiệm cận các chuẩn mực của MSCI và FTSE Russell – hai tổ chức xếp hạng thị trường hàng đầu thế giới. Trong đó, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn như Nghị định 121/2020 và Thông tư 68/2024 đã hình thành một khung pháp lý hiện đại và tiến gần hơn với thông lệ quốc tế.

Hệ thống thể chế mới không chỉ siết chặt hành vi thao túng và gian lận, mà còn mở rộng đáng kể yêu cầu về công bố thông tin, áp dụng các bộ chuẩn kế toán quốc tế như IFRS, khuyến khích thực hành ESG và nâng cao chuẩn mực quản trị công ty. HOSE là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các bộ chỉ số ESG, VN Diamond, VNFIN Lead…, qua đó định hướng dòng tiền vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh và hoạt động minh bạch.
TS. Trần Thăng Long – Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định rằng HOSE đã đóng vai trò nổi bật trong từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, HOSE không chỉ trụ vững vai trò điều tiết mà còn chủ động đổi mới, triển khai các sản phẩm tài chính mới như ETF, chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant), đồng thời tham gia sâu vào việc xây dựng các khung chính sách, luật và quy chuẩn vận hành thị trường.
Một bước ngoặt lớn trong quá trình chuẩn hóa là việc chính thức vận hành hệ thống giao dịch KRX từ tháng 5/2024 – một nền tảng công nghệ hiện đại do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc chuyển giao. Hệ thống này cho phép HOSE triển khai các sản phẩm tài chính tiên tiến như giao dịch T+0, bán khống có kiểm soát, giao dịch lô lẻ, Repo trái phiếu, CCP (đối tác bù trừ trung tâm)... Đồng thời, KRX tăng cường khả năng giám sát giao dịch theo thời gian thực, phát hiện sớm hành vi vi phạm, bảo vệ nhà đầu tư – đặc biệt là nhóm nhỏ lẻ.
.jpg)
Sự hiện diện của KRX không chỉ là một bước tiến về công nghệ, mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ cho quyết tâm hội nhập của HOSE. Đây chính là tiền đề kỹ thuật quan trọng để từng bước đáp ứng toàn bộ các tiêu chí nâng hạng của MSCI và FTSE Russell, mở lối cho thị trường chứng khoán Việt Nam vươn lên vị thế thị trường mới nổi trong tương lai gần.
Việt Nam – Thị trường cận biên hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên theo phân loại của MSCI và FTSE Russell. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế – tài chính thực tế lại cho thấy Việt Nam đã vượt trội so với nhiều thị trường cùng nhóm. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại HOSE hiện chiếm hơn 17% tổng giá trị thị trường. Trong giai đoạn 2016–2018, khối ngoại liên tục mua ròng mạnh mẽ, đỉnh điểm là năm 2018 với giá trị mua ròng hơn 43.000 tỷ đồng – phần lớn thông qua các thương vụ quy mô lớn như Sabeco, Vinamilk, Vinhomes, Masan…
Theo các định chế tài chính như Dragon Capital và SSI, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam có thể đón dòng vốn thụ động từ các quỹ ETF quốc tế trị giá 700 triệu đến 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên. Trong đó, HOSE – nơi tập trung hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường sẽ là điểm đến ưu tiên của dòng vốn này.

TS. Trần Thăng Long đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá. Nền kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất khu vực. Trong 25 năm qua, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng hơn 10 lần. Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, độ tuổi trung bình chỉ 32,9, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, với thu nhập bình quân đầu người đạt 4.500 USD vào năm 2024.
Quan trọng hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển rất lớn. Tỷ lệ vốn hóa thị trường hiện mới đạt gần 60% GDP, trong khi mục tiêu đến năm 2030 theo định hướng Chính phủ là 100–120%. Về huy động vốn, TTCK Việt Nam mới đóng góp khoảng 20–25% GDP – thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (>60%) và Hàn Quốc (~80%) – cho thấy thị trường vốn vẫn chưa phát huy hết vai trò trung tâm trong việc dẫn vốn trung – dài hạn cho nền kinh tế.
Dư địa phát triển TTCK của Việt Nam còn rất lớn, khi vốn hoá của TTCK Việt Nam chỉ gần
60% GDP vẫn còn cách rất xa mục tiêu 100-120% của vào năm 2030 của chính phủ.TS. Trần Thăng Long
Chính trong bối cảnh đó, việc nâng tầm HOSE không chỉ là mục tiêu của ngành chứng khoán, mà còn là nhiệm vụ chiến lược nhằm củng cố vị thế tài chính quốc gia và chia sẻ gánh nặng vốn với hệ thống ngân hàng truyền thống.
Chuẩn hóa để nâng hạng và phát triển bền vững
Trên hành trình hội nhập, mục tiêu lớn nhất của HOSE không đơn thuần là tăng quy mô, mà là nâng cao chất lượng theo chiều sâu. Theo TS. Trần Thăng Long, để thực sự bứt phá và đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường, HOSE và toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chiến lược.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ và phát triển sản phẩm. Hệ thống KRX là nền tảng, nhưng cần được khai thác triệt để để triển khai các công cụ giao dịch mới như phái sinh cổ phiếu, sản phẩm phòng ngừa rủi ro (hedging), giao dịch lô lẻ linh hoạt. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm cho nhà đầu tư, mà còn thể hiện tính hiện đại và toàn diện của thị trường.

Thứ hai, chuẩn hóa toàn diện quản trị doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ công bố thông tin và báo cáo tài chính theo IFRS, cần tăng cường các chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi thao túng, giao dịch nội gián, và xung đột lợi ích trong quản trị công ty. Minh bạch và công bằng là hai trụ cột thiết yếu để giữ vững niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ngày càng đa dạng hóa về thành phần.
Thứ ba, mở rộng khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc tháo gỡ giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL), đảm bảo quyền chuyển đổi ngoại tệ và cải thiện cơ chế lưu ký – thanh toán là những điều kiện bắt buộc để Việt Nam được nâng hạng. Đây cũng là những rào cản cuối cùng cần được xử lý để khơi thông dòng vốn tổ chức quy mô lớn.