Khẩn: Trong ngày hôm nay phải hoàn tất việc quan trọng tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

04/07/2025 - 10:14
(Bankviet.com) Một loạt chỉ đạo mới vừa được ban hành nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trong đó có những mốc thời gian quan trọng được đặt ra.
Chuyển động

Khẩn: Trong ngày hôm nay phải hoàn tất việc quan trọng tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Nguyên Nam 04/07/2025 08:58

Một loạt chỉ đạo mới vừa được ban hành nhằm thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trong đó có những mốc thời gian quan trọng được đặt ra.

Trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Thông báo 335 nêu rõ yêu cầu các địa phương phải thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trước ngày 5/7 và hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ cho khởi công dự án vào cuối năm 2026.

duongsatcaotocbacnam74.png
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vốn đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, có tổng chiều dài khoảng 1.545 km

Theo đó, tại cuộc họp với các bộ ngành và địa phương, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng cùng các cơ quan liên quan trong việc rà soát quy hoạch, thiết kế sơ bộ, xác định nhu cầu sử dụng đất và lên kế hoạch giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy tiến độ triển khai thực tế vẫn còn chậm, không đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là trong công tác phối hợp và xử lý các vướng mắc về pháp lý, tài chính và quy hoạch.

Mục tiêu khởi công vào cuối năm 2026

Nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, chủ động và khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trọng tâm trước mắt là thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy đứng đầu, hoàn thành trước ngày 5/7 để trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được ủy thác toàn bộ trách nhiệm xuống cấp xã, phường. Đồng thời, phải chủ động kiểm kê đất đai, lập phương án bồi thường, phê duyệt và ứng vốn ngân sách địa phương. Với các tỉnh khó khăn về nguồn lực, cần gửi báo cáo đề xuất nhu cầu vốn cho Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn thủ tục đầu tư phần giải phóng mặt bằng như một dự án độc lập sử dụng ngân sách Trung ương. Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể tạm ứng vốn hoặc đề xuất phương án điều tiết ngân sách phù hợp.

duongsatcaotocbacnam88.jpg

Động thổ khu tái định cư vào 19/8

Để tạo động lực triển khai trên thực địa, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương lựa chọn một số vị trí trọng yếu như nhà ga, đoạn tuyến thuận lợi để tổ chức động thổ các khu tái định cư vào ngày 19/8/2025. Việc khởi động này có vai trò quan trọng, đánh dấu bước chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang triển khai thực tế.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT và các địa phương để rà soát toàn bộ hướng tuyến, đặc biệt là các đoạn đi qua khu bảo tồn, rừng tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, hoặc liên quan đến quốc phòng – an ninh. Đồng thời, tổ chức các tổ công tác chuyên biệt làm việc trực tiếp với từng địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn về quy hoạch và thủ tục giải phóng mặt bằng.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị này lập kế hoạch di dời các công trình điện có điện áp từ 110kV trở lên và báo cáo Thủ tướng để đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Hướng tới phát triển TOD và kết nối liên vùng

Một trong những yêu cầu được nhấn mạnh là rà soát và điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận các nhà ga. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương – đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn – chủ động tích hợp quy hoạch mô hình TOD (Transit Oriented Development) nhằm phát triển đô thị theo trục giao thông. Việc quy hoạch và kết nối đồng bộ với hệ thống vận tải khác sẽ giúp tăng hiệu quả đầu tư và khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vốn đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, có tổng chiều dài khoảng 1.545 km, kết nối Hà Nội – TP.HCM với tốc độ thiết kế 350km/h. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy quá trình đô thị hóa dọc trục Bắc – Nam.

Đến nay, đã có ít nhất 5 tập đoàn lớn trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án. Trong đó, nổi bật có Vingroup thông qua công ty thành viên VinSpeed, Trường Hải Auto (THACO), liên danh Mekolor – Great USA.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hạ tầng trong nước như FECON, Ricons, Lizen, Đèo Cả cũng đã công bố kế hoạch mở rộng sang mảng đường sắt tốc độ cao, sẵn sàng tham gia vào thi công các cấu phần như nền móng, cầu cạn, hầm xuyên núi… Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy vai trò ngày càng lớn của khối tư nhân trong các dự án hạ tầng quốc gia chiến lược.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán