Không phải Vingroup hay THACO, doanh nghiệp này mới đang âm thầm đào tạo các anh tài cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

05/07/2025 - 07:06
(Bankviet.com) Không ồn ào như các tập đoàn lớn, doanh nghiệp này đang từng bước chuẩn bị lực lượng cho "trận đánh lớn" mang tên dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam .
Chuyển động

Không phải Vingroup hay THACO, doanh nghiệp này mới đang âm thầm đào tạo các anh tài cho dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Cao Trung 04/07/2025 19:33

Không ồn ào như các tập đoàn lớn, doanh nghiệp này đang từng bước chuẩn bị lực lượng cho "trận đánh lớn" mang tên dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam .

Âm thầm chuẩn bị nguồn lực

Ngày 1/7 vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I (CCT1) và Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành đường sắt”. Đây là bước khởi đầu trong chương trình hợp tác chiến lược ba bên, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sắp tới, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

duongsatcaotoc74.png
Theo đánh giá từ Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ cần tới khoảng 20.000 lao động

Theo đánh giá từ Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ cần tới khoảng 20.000 lao động có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay lại đang thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu như điện khí hóa, điều khiển tín hiệu hay vận hành tàu cao tốc.

Trước thách thức đó, Đèo Cả không chờ đợi thị trường tự điều tiết mà chủ động vào cuộc từ sớm. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng hai nhà trường, không chỉ là cầu nối mà còn là đơn vị đặt hàng, sử dụng trực tiếp nguồn nhân lực sau đào tạo, đảm bảo đầu ra và hiệu quả thực tiễn”.

Theo nội dung hợp tác, chương trình sẽ triển khai theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên được thực hiện ngay trong năm 2025 với các khóa đào tạo ngắn hạn do Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu chuyển giao và phối hợp giảng dạy. Đối tượng trước mắt là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị liên kết. Các khóa học đầu tiên dự kiến khai giảng vào tháng 8 và tháng 9 tới.

Giai đoạn tiếp theo sẽ đi vào chiều sâu hơn. Trường CCT1 sẽ mở các mã ngành mới chuyên về đường sắt tốc độ cao, trong đó phía Trung Quốc hỗ trợ toàn diện từ chương trình đào tạo, giáo trình đến thiết bị thực hành và tập huấn giảng viên. Đây được xem là bước đi mang tính chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam từng bước tự chủ về nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực đường sắt hiện đại.

Ở giai đoạn thứ ba, ba bên hướng đến mục tiêu đào tạo liên kết cấp văn bằng quốc tế. Mô hình này sẽ cho phép sinh viên học tập chuyển tiếp giữa hai trường, đồng thời mở rộng cơ hội nghề nghiệp cả trong và ngoài nước. Khi đó, nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu nội bộ của Đèo Cả, mà còn phục vụ chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia nói chung.

hoinghideoca.jpg
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đông Phong)

Cam kết hỗ trợ từ nước bạn

Về phía Trung Quốc, ông Vương Siêu – Phó Bí thư Đảng ủy Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu – đánh giá cao tiềm năng hợp tác và cam kết chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ đào tạo đã được áp dụng thành công cho hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc tại Trung Quốc. “Chúng tôi rất vinh dự được đóng góp vào sự phát triển hạ tầng hiện đại của Việt Nam”, ông nói.

Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu là đơn vị hàng đầu về đào tạo ngành đường sắt tại miền Nam Trung Quốc, được thành lập từ năm 1975. Hiện trường có gần 8.000 sinh viên theo học chính quy với 35 chuyên ngành liên quan đến đường sắt như điện khí hóa, cơ khí chế tạo, tín hiệu và vận hành tàu.

Dưới góc nhìn dài hạn, việc Đèo Cả âm thầm chuẩn bị nguồn lực cho thấy chiến lược “đi trước một bước” để đón đầu cơ hội từ siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Không tung đề xuất quy hoạch rầm rộ, nhưng Đèo Cả lại đi bài bản từ nền tảng: nhân lực – yếu tố cốt lõi quyết định thành bại của mọi dự án.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp lớn bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam trị giá 67 tỷ USD, như Vingroup, THACO, Tập đoàn Hoa Kỳ và nhiều nhà thầu trong nước như Fecon, Ricons, Lizen và cả Đèo Cả.

Cao Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán

Bài liên quan