Một quyết định từ nhiều năm trước, giờ trở thành “vũ khí mềm” của Hòa Phát

09/07/2025 - 19:27
(Bankviet.com) Một quyết định được Hòa Phát âm thầm thực hiện từ nhiều năm trước, nay bắt đầu phát huy tác dụng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Chuyển động

Một quyết định từ nhiều năm trước, giờ trở thành “vũ khí mềm” của Hòa Phát

Thu Hà 09/07/2025 11:33

Một quyết định được Hòa Phát âm thầm thực hiện từ nhiều năm trước, nay bắt đầu phát huy tác dụng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Lộ trình bài bản – không chỉ là tuyên bố

Không đợi đến khi bị buộc phải thay đổi, Hòa Phát đã chủ động ‘xanh hóa’ sản xuất từ 4 năm trước. Động lực không chỉ đến từ xu hướng toàn cầu, mà còn nằm ở những rào cản kỹ thuật ngày càng siết chặt, mà Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU là một điển hình.

Hòa Phát
Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long phát biểu tại đại hội

Ngay từ năm 2022, tại Đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long đã lần đầu công bố định hướng phát triển “thép xanh” bằng công nghệ thân thiện với môi trường. Thay vì lò cao sử dụng than cốc truyền thống, doanh nghiệp này hướng tới công nghệ sử dụng khí hydro xanh, khí tự nhiên và lò đốt sinh khối, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp.

Tại các khu liên hợp sản xuất ở Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng) và Dung Quất, Hòa Phát đã áp dụng loạt công nghệ khép kín để tuần hoàn năng lượng và giảm phát thải. Nhiệt dư từ quá trình luyện coke được thu hồi phát điện, khí than dư trong luyện gang được tái sử dụng cho nồi hơi. Nhờ đó, riêng năm 2023, tập đoàn đã tự chủ khoảng 80% lượng điện phục vụ sản xuất, tương đương 2,4 tỷ kWh.

Đặc biệt, công nghệ đúc – cán liên tục với phôi nóng đã giúp giảm đáng kể tiêu hao năng lượng và khí CO₂ phát thải trên mỗi tấn thép thành phẩm. Hòa Phát cũng dành tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục liên quan đến môi trường.

Bước ngoặt đáng chú ý khác đến vào năm 2024, khi Hòa Phát Dung Quất được Tổ chức BSI (Anh Quốc) xác nhận hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 – một bước đi quan trọng giúp mở đường cho xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Lý do thực sự khiến Hòa Phát phải chuẩn bị từ sớm

CBAM – Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới của Liên minh châu Âu chính là nguyên nhân chủ yếu buộc các nhà sản xuất trên toàn cầu phải nghiêm túc xem lại chuỗi giá trị của mình. Theo cơ chế này, từ năm 2026, các doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm, xi măng… vào EU sẽ phải nộp khoản phí carbon tương đương với lượng phát thải của sản phẩm, nếu như nước xuất khẩu không có hệ thống định giá carbon tương tự.

Tại hội nghị kỷ niệm 75 năm thành lập Liên đoàn Eurometal tổ chức từ ngày 2–3/7/2025, đại diện nhiều nhà phân phối và thương nhân kim loại châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tính khả thi và hệ lụy tài chính từ CBAM. Báo cáo do GMK Center trình bày, trích dẫn phân tích của S&P Global, cho thấy nhiều doanh nghiệp EU chưa thể ước tính biên lợi nhuận sau khi CBAM có hiệu lực đầy đủ – dẫn đến khó khăn trong lập kế hoạch kinh doanh.

Một nhà phân phối từ Đức thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi chưa thể trả lời câu hỏi liệu mặt hàng này có còn lời sau năm 2026 hay không.” Trong khi đó, các khách hàng thuộc ngành ô tô và điện gia dụng lại yêu cầu mức giá ổn định, tạo thêm áp lực cho nhà cung cấp vốn đã phải tính toán chi phí carbon mới.

Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực cho doanh nghiệp nhỏ

Không chỉ là chi phí tăng thêm, CBAM còn bị cảnh báo có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung ngay từ quý I/2026, thời điểm các quy định được triển khai đầy đủ. Một số diễn giả nhấn mạnh nguy cơ người mua sẽ bất ngờ với các khoản phụ phí phát sinh, từ đó gây chậm trễ giao dịch hoặc huỷ đơn hàng.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rào cản này càng trở nên khó vượt qua. Nhiều nhà phân phối tại EU cho biết họ đang phụ thuộc vào các tập đoàn thương mại lớn để tính toán chi phí điều chỉnh carbon, cũng như xây dựng chiến lược định giá sản phẩm nhập khẩu. Việc thiếu tiêu chuẩn phát thải rõ ràng, cùng với quản lý phức tạp từ phía cơ quan chức năng, đang làm xói mòn niềm tin vào mục tiêu thương mại và khí hậu của châu Âu.

Bên cạnh đó, thép xanh – dù được đánh giá là lời giải dài hạn – vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đúng mức từ thị trường. Nhiều đại biểu tại hội nghị nhận định nhận thức về giá trị của thép xanh còn hạn chế, và EU vẫn thiếu các chính sách đủ mạnh để khuyến khích tái chế hoặc ưu tiên mua sắm sản phẩm có phát thải thấp.

Vươn lên từ sớm để chủ động trong cuộc chơi

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chuẩn bị bước vào giai đoạn siết chặt chính sách carbon, những bước đi của Hòa Phát không chỉ mang tính thích nghi, mà còn cho thấy tầm nhìn dài hạn. Việc đầu tư sớm vào hạ tầng sản xuất thân thiện môi trường và minh bạch hóa phát thải khí nhà kính là điều kiện tiên quyết để giữ vững năng lực cạnh tranh, nhất là ở các thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ hay Nhật Bản.

CBAM đang tạo ra sự phân hóa rõ nét: doanh nghiệp chủ động có thể tận dụng cơ hội, doanh nghiệp bị động sẽ bị đẩy lùi khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những gì đã và đang thực hiện, Hòa Phát dường như không chọn chờ đợi, mà đang tìm cách dẫn dắt làn sóng “xanh hóa” ngành thép Việt Nam ngay từ bên trong.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán

Bài liên quan