Muốn vươn tầm khu vực, sân bay Long Thành cần tham khảo gì từ những “siêu sân bay” thế giới?

06/07/2025 - 19:20
(Bankviet.com) Long Thành mang kỳ vọng lớn, nhưng để thành trung tâm trung chuyển khu vực, cần học hỏi mô hình đô thị sân bay tích hợp từ các nước phát triển.
Chuyển động

Muốn vươn tầm khu vực, sân bay Long Thành cần tham khảo gì từ những “siêu sân bay” thế giới?

Hồng Giang 06/07/2025 17:50

Long Thành mang kỳ vọng lớn, nhưng để thành trung tâm trung chuyển khu vực, cần học hỏi mô hình đô thị sân bay tích hợp từ các nước phát triển.

Mô hình “đô thị sân bay tích hợp” là hướng đi tất yếu

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Việt Nam vươn tầm trên bản đồ hàng không thế giới. Với thiết kế đạt chuẩn cấp 4F theo phân loại của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), sân bay Long Thành được quy hoạch là cảng hàng không lớn nhất cả nước và là cửa ngõ hàng không trọng điểm của quốc gia và khu vực.

Sân bay Long Thành được kỳ vọng trở thành cửa ngõ hàng không mới, góp phần tái định hình không gian kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Để sân bay Long Thành có thể vươn lên trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không, mô hình “đô thị sân bay tích hợp” là hướng đi tất yếu

Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu có công suất thiết kế 25 triệu hành khách mỗi năm. Khi bước sang giai đoạn hai, con số này sẽ tăng lên 50 triệu hành khách.

Sau năm 2030, Long Thành kỳ vọng đạt công suất tối đa 100 triệu hành khách mỗi năm, qua đó khẳng định vai trò trung tâm trung chuyển khu vực và quốc tế. Với định hướng chiến lược này, Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không cạnh tranh trực tiếp với những trung tâm lớn như Changi của Singapore hay Suvarnabhumi của Thái Lan.

Lợi thế quan trọng nhất của Long Thành là vị trí địa lý đặc biệt, nằm ngay trung tâm khu vực Đông Nam Á, nơi giao cắt của các đường bay Đông - Tây và Bắc - Nam. Điều này mang lại tiềm năng lớn trong việc phục vụ các chuyến bay chuyển tiếp quốc tế, kết nối hành khách đến các châu lục như châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương.

Ngoài ra, vị trí này cũng thuận lợi để các hãng hàng không và liên minh hàng không quốc tế chọn làm căn cứ hoạt động, tối ưu lịch bay nối chuyến, đồng thời nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa.

Tuy nhiên, để sân bay Long Thành có thể vươn lên trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không thực sự, chỉ sở hữu sân bay hiện đại thôi là chưa đủ.

Các chuyên gia cho rằng mô hình “đô thị sân bay tích hợp” (Aerotropolis) là hướng đi tất yếu và là xu thế phát triển phổ biến trên toàn cầu. Đây không chỉ là mô hình xây dựng một sân bay đơn lẻ mà là một hệ sinh thái toàn diện, bao gồm các khu đô thị hiện đại, khu công nghiệp, trung tâm logistics, thương mại và dịch vụ, được kết nối bởi mạng lưới giao thông đa phương thức như đường cao tốc, metro, đường sắt và xe buýt tốc hành.

Khi được triển khai đồng bộ, sân bay không chỉ đóng vai trò là điểm trung chuyển hành khách và hàng hóa mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế - đô thị của toàn khu vực.

Long Thành cần làm gì để bứt phá?

Những kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình này. Tại Hà Lan, sân bay quốc tế Schiphol không đơn thuần là cửa ngõ hàng không mà còn là trung tâm tích hợp của mạng lưới giao thông, logistics và thương mại châu Âu.

Sân bay này được kết nối trực tiếp với các ga đường sắt quốc tế, cho phép hành khách dễ dàng di chuyển đến các thành phố như Brussels hoặc Paris chỉ trong vòng từ hai đến bốn giờ. Cùng với đó là mạng lưới metro và tramway dày đặc, cùng hệ thống xe đạp công cộng OV-fiets, tạo nên một hệ thống giao thông đô thị linh hoạt, thuận tiện.

Bên cạnh vai trò trung chuyển hành khách, Schiphol còn gắn kết với cảng biển Rotterdam - một trong những cảng lớn nhất thế giới thông qua hệ thống kênh đào liên kết, tạo nên chuỗi vận chuyển hàng hóa liền mạch. Mô hình tích hợp này đã giúp Schiphol thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và đóng góp đáng kể vào GDP khu vực.

Một ví dụ khác đến từ châu Á là sân bay Incheon tại Hàn Quốc. Sân bay này được kết nối với thủ đô Seoul thông qua đường cao tốc riêng dài 36 km, tuyến metro Seoul, tàu cao tốc Airport Express (AREX), cùng với hệ thống xe buýt tốc hành BRT chia tuyến màu, điều phối bằng hệ thống giao thông thông minh ITS.

Hệ thống thanh toán tại Incheon cũng được số hóa và tích hợp thông qua thẻ T-money, cho phép hành khách thanh toán tiện lợi và nhanh chóng trên toàn hệ thống giao thông công cộng. Nhờ sự đồng bộ và hiện đại trong hạ tầng kết nối, Incheon đã trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Seoul, đồng thời là một trong những sân bay trung chuyển quốc tế năng động nhất châu Á.

Với những bài học từ các trung tâm trung chuyển thành công trên thế giới, Long Thành sẽ cần đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với các đô thị lớn lân cận như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua các tuyến đường cao tốc, vành đai, metro và đường sắt.

Đồng thời, việc phát triển các đô thị vệ tinh hiện đại xung quanh sân bay không chỉ giúp giảm áp lực dân số cho TP.HCM mà còn mở rộng không gian phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Việc học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công như Schiphol hay Incheon là cơ sở quan trọng để Long Thành có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng không tầm cỡ khu vực, đồng thời tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đông Nam Bộ và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giao thông hàng không toàn cầu.

Theo chuyên gia, nếu muốn cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển quốc tế Changi (Singapore) hay Suvarnabhumi (Bangkok), Long Thành phải phát triển hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, gồm đường cao tốc, vành đai, metro, đường sắt kết nối TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồng thời, phát triển các đô thị vệ tinh hiện đại, giảm áp lực dân số cho TP.HCM, thúc đẩy logistics, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán