Nếu nghĩ ngồi máy bay vẫn nhanh hơn đi đường sắt cao tốc, bạn cần phải xem lại
Nếu bạn vẫn có suy nghĩ đi máy bay sẽ nhanh và tiết kiệm thời gia hơn tàu đường sắt cao tốc, bạn cần xem ngay bài viết dưới đây.
Trong nhiều năm, máy bay được xem là phương tiện vận tải nhanh nhất cho các hành trình dài. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của đường sắt tốc độ cao (HSR), cán cân đang dần thay đổi – đặc biệt là trên các tuyến có cự ly dưới 1.000km.
Một so sánh phổ biến từ giới chuyên gia giao thông quốc tế cho thấy, thời gian thực tế để di chuyển giữa hai thành phố không chỉ tính bằng tốc độ trên giấy tờ, mà nằm ở tổng thời gian "door-to-door" – từ lúc rời khỏi nhà đến khi đến đúng điểm cuối hành trình. Và ở đây, tàu cao tốc đang chứng minh sức mạnh của sự tối giản, chính xác và tiện lợi.

Hành trình không chỉ bắt đầu khi bạn lên máy bay
Câu chuyện quen thuộc với bất kỳ hành khách hàng không nào: từ việc đi xe đến sân bay ngoại ô, xếp hàng check-in, làm thủ tục an ninh, chờ đợi ra cửa lên máy bay, rồi lại tiếp tục đợi tàu đẩy ra đường băng, cất cánh và hạ cánh. Chưa kể đến thời gian lấy hành lý và bắt xe về thành phố. Tất cả những công đoạn đó, theo một phân tích chi tiết, có thể ngốn tới 155 phút, chưa tính đến thời gian bay.
Trong khi đó, hành khách đi tàu cao tốc thường chỉ cần khoảng 35 phút cho toàn bộ các bước chuẩn bị – từ lúc rời khỏi nhà đến khi yên vị trên tàu. Nhà ga thường nằm tại trung tâm thành phố, thủ tục đơn giản, thời gian khởi hành chính xác gần như tuyệt đối và không phải lo đến trễ hay delay vì lý do kỹ thuật hay thời tiết.
Chênh lệch 120 phút thời gian phụ trợ đã tạo nên bước ngoặt trong cách hành khách lựa chọn phương tiện di chuyển. Với các hành trình từ 150–800km, tàu cao tốc rõ ràng đang có lợi thế về thời gian. Trong khoảng 800–1.000km, hai loại phương tiện tương đương nhau. Chỉ với các chặng bay dài trên 1.000km, máy bay mới thực sự chiếm ưu thế.
Tàu cao tốc – không chỉ là phương tiện, mà là trải nghiệm
Thời gian chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể. Với nhiều hành khách từng trải nghiệm tàu cao tốc hiện đại tại Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp hay Tây Ban Nha, đây không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là một hành trình thư giãn, tiện nghi.
Không lo delay, không ù tai khi cất hạ cánh, không rung lắc vì nhiễu động không khí, không cảm giác bị nhồi nhét. Thay vào đó là không gian êm ái, ghế ngồi rộng rãi, nhiều tiện ích như wifi, ổ điện, và thậm chí là cả toa nhà hàng phục vụ món ăn đặc sản của từng địa phương dọc tuyến.
Với tốc độ 300–350km/h, tàu cao tốc vẫn cho phép hành khách ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường, từ những cánh đồng trải dài đến các khu phố cổ kính, tạo nên một trải nghiệm mà máy bay không thể mang lại.
Ví dụ rõ ràng từ nước Mỹ
Tại Mỹ, dù mạng lưới tàu cao tốc chưa phát triển như châu Á hay châu Âu, nhưng các tính toán cho tuyến Los Angeles – San Francisco (khoảng 600km) đã cho thấy ưu thế rõ ràng: Nếu sử dụng tàu cao tốc với tốc độ thiết kế 350km/h, tổng thời gian hành trình là 3 giờ 10 phút. Trong khi đó, hành trình bay bao gồm tất cả các bước phụ mất tới 5 giờ 20 phút, và đi ô tô lên tới 7 giờ 20 phút.
So sánh này đã được nhiều chuyên gia giao thông và quy hoạch đô thị quốc tế nhắc lại như một dẫn chứng điển hình về tính hiệu quả của HSR – không chỉ trong tốc độ mà còn ở sự tối ưu của toàn bộ chuỗi vận hành.

Liên hệ với Việt Nam – tàu cao tốc không còn là giấc mơ xa
Tại Việt Nam, câu chuyện về tàu cao tốc không còn là viễn cảnh xa vời. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường này dự kiến sẽ kết nối Hà Nội – TP.HCM bằng hệ thống tàu khách chạy với tốc độ 320km/h, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn khoảng 5–6 giờ so với hơn 20 tiếng đi tàu hiện nay và 8–9 tiếng nếu tính toàn bộ hành trình bay.
Một số tập đoàn trong nước như Vingroup (VinSpeed) và THACO đã công khai nguyện vọng tham gia vào dự án, cùng với hàng loạt nhà thầu lớn như FECON, Đèo Cả, Ricons, Lizen… Dự án được kỳ vọng không chỉ thay đổi cách người Việt di chuyển giữa hai đầu đất nước, mà còn kích hoạt cả chuỗi cung ứng ngành hạ tầng, thiết bị và dịch vụ vận tải.