Nhà thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nắm thời cơ lớn tại dự án Sân bay Cát Bi

20/07/2025 - 13:24
(Bankviet.com) Nhà thầu này đang đứng đầu liên danh nắm giữ cơ hội lớn tại gói thầu thi công nhà ga hành khách T2 , dự án Sân bay Cát Bi giá trị hơn 2.360 tỷ đồng.
Chuyển động

Nhà thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nắm thời cơ lớn tại dự án Sân bay Cát Bi

Cao Thái 20/07/2025 12:51

Nhà thầu này đang đứng đầu liên danh nắm giữ cơ hội lớn tại gói thầu thi công nhà ga hành khách T2 , dự án Sân bay Cát Bi giá trị hơn 2.360 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) mới đây đã công bố kết quả mở thầu gói thầu số 15 thuộc dự án Sân Bay Cát Bi (Hải Phòng). Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất toàn dự án, với tổng mức đầu tư hơn 2.360 tỷ đồng. Theo biên bản mở thầu ngày 17/7/2025, chỉ có một nhà thầu duy nhất tham gia là Liên danh Hoa Phượng, trong đó Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp, mã chứng khoán: HAN) giữ vai trò đứng đầu.

san-bay-cat-bi.jpg
Liên danh do Hancorp đứng đầu không gặp đối thủ tại gói thầu hơn 2.360 tỷ đồng, dự án Nhà ga hành khách T2, Sân bay Cát Bi

Giá dự thầu được liên danh này đưa ra là hơn 2.341,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể mức dự toán ban đầu. Việc không có đối thủ cạnh tranh tại gói thầu trọng điểm này đồng nghĩa với việc Hancorp gần như nắm chắc phần thắng nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật và pháp lý từ phía chủ đầu tư. Trong bối cảnh các gói thầu hạ tầng hàng không ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều "ông lớn" ngành xây dựng, việc "một mình một ngựa" tại một gói thầu có quy mô hàng nghìn tỷ đồng được các chuyên gia đánh giá là điều hiếm gặp và tạo lợi thế rõ rệt cho liên danh Hancorp.

Dự án Nhà ga T2, Sân bay Cát Bi được thiết kế nhằm nâng cao năng lực phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt tại Quyết định số 2280/QĐ-TCTCHKVN ngày 20/5/2025, tổng mức đầu tư toàn dự án là gần 2.690 tỷ đồng, gồm 20 gói thầu. Trong đó, gói số 15 chiếm tỷ trọng cao nhất và có vai trò then chốt trong tiến độ triển khai cũng như hiệu quả vận hành khi đưa nhà ga vào hoạt động.

bien-ban-mo-thau.jpg
Biên bản mở thầu của ACV ngày 17/7/2025

Việc Hancorp dẫn đầu liên danh tham gia gói thầu này không chỉ là bước tiến trong mở rộng thị phần tại lĩnh vực hạ tầng hàng không, mà còn khẳng định chiến lược trở lại mạnh mẽ của một "lão tướng" từng ghi dấu ấn tại nhiều công trình mang tính biểu tượng quốc gia. Trong nhiều năm qua, Hancorp vẫn duy trì vị thế trong các dự án quy mô lớn của ACV, bất chấp cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nhà thầu tư nhân và liên danh quốc tế.

Vết gợn tại gói thầu Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Trước khi nắm trong tay cơ hội lớn tại Sân bay Cát Bi, Hancorp trúng thầu khá nhiều gói do ACV đầu tư, trong đó có gói thầu số 12, Dự án Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Gói thầu này xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga, với tổng giá trị lên tới 9.000 tỷ đồng. Trong đó, Hancorp phụ trách thi công hạng mục phần mái – khu vực vừa xảy ra sự cố nước mưa rò rỉ.

nha-ga-t3.jpg
Nằm trong liên danh thi công gói thầu số 12, Dự án Nhà ga T3, Sân bay Tân Sơn Nhất, Hancorp đảm nhận thi công phần mái

Dự án Nhà ga T3 được ACV tổ chức khánh thành vào ngày 19/4/2025, về đích sớm hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, Bộ Xây dựng đã ban hành công điện yêu cầu ACV và các nhà thầu liên quan khẩn trương xử lý tình trạng nước mưa rò rỉ từ mái kính xuống khu vực sảnh check-in và phòng chờ tầng 3. Dù không gây nguy hiểm cho hoạt động vận hành, sự cố này được đánh giá là làm giảm mỹ quan công trình và ảnh hưởng đến trải nghiệm hành khách, đặc biệt khi nhà ga mới vừa đưa vào khai thác.

Là nhà thầu phụ trách phần mái, Hancorp được yêu cầu phối hợp với ACV để rà soát, khắc phục triệt để sự cố, đồng thời xây dựng kế hoạch quan trắc và bảo trì trong mùa mưa bão. Các nhà thầu tham gia dự án phải thực hiện bảo hành đúng quy định, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn công trình. Dự án Nhà ga T3 có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, trong đó gói thầu số 12 là gói lớn nhất.

Quý I/2025, doanh thu thuần HAN đạt 866,5; lãi gộp 51,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1,88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 3,36 tỷ đồng.

Gần 45% tổng tài sản HAN là các khoản phải thu ngắn hạn, cho thấy vốn bị chiếm dụng lớn. Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 62 tỷ, kéo theo tiền mặt giảm gần 36% so với đầu năm. Nợ phải trả vẫn duy trì ở mức cao, chiếm hơn 72% tổng nguồn vốn.

Hancorp là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, hiện vẫn do Nhà nước nắm giữ phần lớn vốn điều lệ. Công ty đã được cổ phần hóa từ năm 2014 và từng tham gia nhiều công trình cấp quốc gia như Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà hát Lớn Hà Nội.

Dù sự cố tại Tân Sơn Nhất có thể xem là một vết gợn trong quá trình triển khai dự án, nhưng việc khẩn trương khắc phục và phối hợp hiệu quả với ACV cho thấy sự chuyên nghiệp, và là yếu tố quan trọng để Hancorp duy trì uy tín trong các dự án tiếp theo.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, từ năm 2010 đến nay, Hancorp đã được công bố trúng 21/33 gói thầu tham gia. Dù không phải là doanh nghiệp “bùng nổ” về số lượng dự án, nhưng Hancorp lại thường góp mặt ở những gói có quy mô và yêu cầu kỹ thuật cao. Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng hàng không trong những năm gần đây đang mở ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp này quay lại đường đua, tận dụng danh tiếng và bề dày kinh nghiệm sẵn có.

Liên tiếp ghi dấu tại các dự án sân bay trọng điểm

Trước khi nắm lợi thế tạigói thầu Sân bay Cát Bi, Hancorp liên tục xuất hiện trong danh sách nhà thầu của các gói thầu sân bay Long Thành – đại dự án có quy mô đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đang được triển khai tại Đồng Nai.

Ngày 27/6/2025, ACV đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 7.8a thuộc Dự án thành phần 3 – Các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Gói thầu này bao gồm thi công cọc nhà ga hàng hóa số 1 và xây dựng, lắp đặt thiết bị các công trình phụ trợ còn lại, với tổng giá trị được duyệt hơn 639 tỷ đồng. Liên danh HANTA – gồm Hancorp, Công ty CP Kết cấu thép ATAD và Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS) – đã vượt qua liên danh Coteccons – Xây lắp III Petrolimex để giành quyền thực hiện gói thầu với giá trúng hơn 604 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 240 ngày kể từ ngày khởi công.

san-bay-long-thanh.jpg
Nhà ga hành khách, Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Điểm nhấn lớn nhất của Hancorp trong làn sóng đầu tư hạ tầng hàng không, là việc ‘lão tướng’ này là thành viên trong liên danh Vertu – đơn vị từng được ACV trao gói thầu 5.10 thuộc Dự án Nhà ga hành khách Long Thành, có giá trị lên tới gần 36.000 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn nhất từng được đấu thầu công khai trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.

Liên danh Vertu tập hợp các tên tuổi lớn như Ricons, Newtecons, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, CC1, Sol E&C và Hancorp – một sự kết hợp giữa các doanh nghiệp tư nhân có năng lực thi công hiện đại và những nhà thầu kỳ cựu thuộc khối doanh nghiệp nhà nước.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán

Bài liên quan