Nhiều tâm huyết với “mảnh ghép” mới, đại gia Ninh Bình chọn nước cờ mà Hòa Phát còn để ngỏ
Sau khi tham chiến thị trường thép, đặc biệt ở mảng HRC, đại gia Ninh Bình tiếp tục có động thái mở rộng sang một “mặt trận” ít ai ngờ tới.
Đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thiện với tham vọng lợi nhuận tăn gần 20.000%
Ngày 27/6, Công ty CP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, theo đó một quyết định quan trọng được thông qua tại đại hội: đổi tên công ty thành Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC). Việc lựa chọn thời điểm áp dụng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý được cổ đông ủy quyền toàn diện cho Hội đồng quản trị.
Theo giới quan sát, đây không chỉ là một bước thay đổi thương hiệu đơn thuần, mà còn là tín hiệu tái cấu trúc toàn diện, đưa công ty gắn chặt hơn vào hệ sinh thái đa ngành của Tập đoàn Xuân Thiện – một tập đoàn đang mở rộng nhanh từ công nghiệp nặng sang lĩnh vực tài chính.
Cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Sen Vàng hiện khá tập trung, với bốn cổ đông lớn nắm giữ gần 75% vốn điều lệ:
• Công ty TNHH TM Nông Nghiệp Khang An sở hữu 20%
• Ông Lê Huy Dũng nắm giữ khoảng 20,03%
• Ông Hồ Ngọc Bạch sở hữu 19,88%
• Bà Thái Kiều Hương chiếm 15,13%
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 cũng gây nhiều chú ý khi công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 179 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên đến 70 tỷ đồng – lần lượt tăng 1.205% và gần 20.000% so với con số khiêm tốn của năm trước (lãi sau thuế chỉ 351 triệu đồng). Ban lãnh đạo tỏ ra lạc quan, dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.450 – 1.500 điểm, tạo dư địa thuận lợi để mở rộng thị phần.
Song song việc đổi tên, công ty cũng dự kiến hoàn tất thủ tục xin ra khỏi diện kiểm soát, chuyển trụ sở chính, thay đổi con dấu để đồng bộ hóa nhận diện thương hiệu và phù hợp với định hướng chiến lược mới.
Ở mảng hoạt động, công ty đặt mục tiêu biên lợi nhuận tự doanh khoảng 20% giá trị đầu tư, trong khi doanh thu môi giới giai đoạn đầu chưa chiếm tỷ trọng lớn. Trọng tâm trước mắt vẫn là mảng cho vay margin và tập khách hàng doanh nghiệp, khách VIP. Để mở rộng nhanh lực lượng môi giới và tệp khách hàng, công ty dự kiến đưa ra chính sách đãi ngộ cạnh tranh.
Chiến lược tăng vốn cũng được coi là bước đi then chốt. Cụ thể, 135 triệu cổ phiếu dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:10 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên mức 1.485 tỷ đồng trong năm 2025–2026.
165 triệu cổ phiếu khác sẽ phát hành riêng lẻ, cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong số nhà đầu tư chiến lược tham gia, đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm, được công ty nhấn mạnh là cam kết gắn bó lâu dài của các cổ đông chiến lược. Đại diện ban lãnh đạo tự tin tuyên bố:
“Mục tiêu vốn hóa 3.000 tỷ đồng mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, phấn đấu gia nhập nhóm top 3 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường”.
Dù tham vọng rất lớn, nền tảng tài chính hiện tại vẫn còn nhiều thách thức. Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản công ty chỉ hơn 69 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế lên tới 68,6 tỷ đồng.
Đối thủ tiềm năng của Hòa Phát ở mảng thép
Khởi nguồn năm 2000 tại Ninh Bình, Xuân Thiện từng chỉ là một công ty gia đình quy mô vừa. Bước ngoặt diễn ra từ năm 2022, khi doanh nghiệp chính thức tái cấu trúc lên mô hình tập đoàn, đồng thời đẩy mạnh mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng và nông nghiệp công nghệ cao.

Nổi bật nhất trong chiến lược bành trướng gần đây là kế hoạch công nghiệp hóa ngành thép. Tại Nam Định – quê hương của nhà sáng lập, tập đoàn đã được phê duyệt triển khai hai dự án luyện thép quy mô khủng với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, trên quỹ đất rộng gần 370ha. Dự án dự kiến mang đến hơn 16.000 việc làm trực tiếp, trở thành cú hích quan trọng cho kinh tế địa phương.
Song song lĩnh vực công nghiệp, Xuân Thiện đang sở hữu chuỗi dự án năng lượng trải dài nhiều tỉnh thành, gồm thủy điện Suối Sập 1, Sông Lô 3–6 ở Hà Giang, điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc, với tổng công suất lên tới hàng trăm MW.
Chủ tịch tập đoàn, ông Nguyễn Văn Thiện – hay còn được biết đến với tên gọi “bầu Thiện” – là anh trai ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch LPBank. Ngoài vai trò điều hành tập đoàn, ông Thiện cũng là ông bầu của CLB Thép Xanh Nam Định – đội bóng đang thống trị V.League khi liên tiếp giành chức vô địch trong hai mùa giải gần nhất.
Ngày 23/6, Xuân Thiện chính thức khởi công tổ hợp Dự án Thép xanh Nam Định với tổng vốn vượt 98.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là dự án công nghiệp quy mô lớn, mà còn được xem là bước tiến chiến lược để tập đoàn cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn như Hòa Phát hay Formosa Hà Tĩnh trong cuộc đua thép xanh.
Được biết, tổ hợp có công suất thiết kế lên đến 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm tới 7,5 triệu tấn, Xuân Thiện đang trực tiếp bước vào sân chơi mà trước đây chỉ có Hoà Phát và Formosa là hai cái tên thống lĩnh.
Trong khi đó, trong năm 2024, “ông lớn” ngành thép Hoà Phát cũng chỉ sản xuất được 8,7 triệu tấn thép thô, trong đó thép cuộn cán nóng HRC sản xuất được hơn 3 triệu tấn.
Thép HRC là nhóm sản phẩm then chốt trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, đóng tàu và hạ tầng nặng – nơi Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn mỗi năm.
Ngoài ra, Tổ hợp Dự án Thép xanh Nam Định còn sản xuất những chủng loại thép mà hiện tại trong nước chưa đơn vị nào sản xuất được. Đó là các loại thép kháng thời tiết phục vụ cơ khí chế tạo, đóng tàu, thép cho cột điện gió, thân vỏ ô tô, thậm chí vật liệu chế tạo vũ khí.