28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp
Từ ngày 1/7, có 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp sẽ có hiệu lực, bao gồm, 11 nghị định phân định thẩm quyền tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, 14 nghị định phân cấp - phân quyền, và 3 nghị định kết hợp cả ba nội dung nêu trên. Ngoài ra, còn có 4 nghị định khác được ban hành để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Trong đó, hàng loạt thủ tục mới sẽ thay đổi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, như:
- UBND cấp xã được cấp Sổ đỏ lần đầu cho người dân. Đây là nội dung được nêu tại Điều 18 Nghị định 151/2025/NĐ-CP nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp Sổ đỏ gồm không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch và không vi phạm pháp luật về đất đai... Ngoài quyền cấp sổ đỏ, Chủ tịch UBND cấp xã còn được xác định lại diện tích đất ở, ghi giá đất trong các quyết định giao đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, và ban hành quyết định giá đất trong trường hợp áp dụng bảng giá đất hoặc xác định giá đất cụ thể.
- UBND cấp xã được chứng thực bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam hoặc ngược lại thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã…
- Mức lương tối thiểu chính thức được phân theo địa bàn cấp xã từ ngày 1/7 theo Nghị định 128/2025/NĐ-CP thay vì áp dụng theo địa bàn cấp huyện như trước.
- Được nộp hồ sơ đăng ký hộ tịch tại bất kỳ UBND cấp xã nơi cư trú, nơi cư trú của cá nhân được xác định theo quy định của pháp luật về cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2025/NĐ-CP…
Sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế
Theo Thông tư số 86/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7, người Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân theo quy định của Luật Căn cước công dân sẽ sử dụng số này thay cho mã số thuế trong các giao dịch với cơ quan thuế. Không chỉ cá nhân mà cả hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng sẽ sử dụng số định danh của người đại diện để thực hiện nghĩa vụ thuế thay vì dùng mã số thuế như hiện nay.
Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an cấp theo quy định của pháp luật về căn cước là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số được sử dụng thay cho mã số thuế của người nộp thuế là cá nhân, người phụ thuộc quy định tại điểm k, l, n khoản 2 Điều 4 Thông tư này; đồng thời, số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó.
Chính sách này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong việc điều chỉnh, bổ sung nghĩa vụ thuế phát sinh và nâng cao hiệu quả quản lý. Cơ quan thuế sẽ thống nhất quản lý dữ liệu người nộp thuế, người phụ thuộc thông qua số định danh cá nhân.
Tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Nghị quyết quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Việc giảm thuế VAT tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (bao gồm khả năng tăng thu từ các sắc thuế khác nhờ hiệu ứng lan tỏa của chính sách giảm thuế VAT).
Mở rộng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn
Nghị định 156/2025/NĐ-CP của Chính phủ về nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm; giảm thủ tục cho khách hàng vay vốn có hiệu lực từ ngày 1/7 nhằm điều chỉnh chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Văn bản này bổ sung nhiều điểm mới như: mở rộng đối tượng vay vốn ưu đãi, đơn giản hóa quy trình thẩm định, cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp với địa phương xây dựng mô hình liên kết tín dụng - sản xuất = tiêu thụ để đảm bảo dòng vốn vận hành hiệu quả.
Chính sách mới được kỳ vọng sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững khu vực "tam nông".
Thêm 4 nhóm được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1/7 mở rộng 4 nhóm được ngân sách nhà nước chi trả tiền mua BHYT, bao gồm:
- Người nhận trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng, tức từ đủ 75 tuổi trở lên và áp dụng từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
-Nhóm đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (do thân nhân đã mất, thường là vợ/chồng), gồm người từ đủ 75 tuổi trở lên và đủ 70 đến dưới 75 thuộc hộ cận nghèo, trong khi quy định hiện hành là 80 tuổi.
- Nhóm tham gia BHXH nhưng chưa đủ 15 năm, đủ tuổi về hưu nhưng chưa đến tuổi nhận trợ cấp hưu trí mà nhận trợ cấp hàng tháng từ tiền đóng góp vào Quỹ. Đây là nhóm không có thu nhập và đối mặt với rủi ro sức khỏe cao nhất.
- Dân quân thường trực - lực lượng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ đột xuất như phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Luật sửa đổi quy định mức đóng của các nhóm này tối đa bằng 6% mức tham chiếu và do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tham chiếu hiện hành là 2,34 triệu đồng, tương đương mức đóng tối đa của các nhóm được hỗ trợ là 1,404 triệu đồng mỗi người một năm.
Luật mới cũng quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc;
Minh Nhật