Những ngôi trường nghìn tỷ và cuộc chơi âm thầm của giới doanh nhân
Ẩn sau bảng tên học thuật, nhiều ngôi trường đại học ngoài công lập đang trở thành quân bài chiến lược trong cuộc chơi dài hơi của giới doanh nhân.
Trong bức tranh giáo dục đại học hiện đại, đã qua rồi thời kỳ các trường đại học ngoài công lập chỉ được xem như “người chơi bên lề”.

Ngày nay, nhiều ngôi trường đã vươn lên với doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp lớn, trong đó có những cái tên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Âm thầm nhưng bài bản, giới doanh nhân đang trực tiếp tham gia vào một cuộc chơi dài hơi và chiến lược với giáo dục đại học – nơi từng được xem là “vùng đất” của phi thương mại.
Ngôi trường và dòng tiền nghìn tỷ
Theo dữ liệu báo cáo "3 công khai" năm học 2023–2024 do các trường đại học công bố, top 10 cơ sở có doanh thu lớn nhất đều ghi nhận con số từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Dẫn đầu là Trường Đại học FPT với doanh thu lên đến 2.918 tỷ đồng trong năm 2023, tiếp theo là Trường Đại học Văn Lang với 2.286 tỷ đồng, và Đại học Bách khoa Hà Nội – đại diện công lập duy nhất trong top 3 đạt 2.137 tỷ đồng.

Nguồn thu của các trường này chủ yếu đến từ học phí, bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và một phần từ ngân sách Nhà nước đối với khối công lập. Những con số này cho thấy giáo dục đại học, đặc biệt là khu vực ngoài công lập không chỉ là môi trường học thuật mà còn đang vận hành như một hệ sinh thái có sức hấp dẫn tài chính ngày càng lớn.
Phía sau những ngôi trường là ai?
Ẩn sau bảng tên học thuật là sự hiện diện ngày một rõ nét của giới doanh nhân. Nhiều trường đại học ngoài công lập hiện nay có sự hậu thuẫn trực tiếp từ các tập đoàn lớn, trong đó không ít đơn vị đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Điển hình là Trường Đại học FPT – đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT (HOSE: FPT); Trường Đại học Văn Lang do Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sở hữu; hay Trường Đại học Nguyễn Tất Thành gắn bó lâu dài với Công ty CP Dệt may Sài Gòn.
Gần đây nhất, giữa tháng 5/2025, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) đã thông qua khoản đầu tư 110 tỷ đồng để sở hữu 51,79% vốn điều lệ của Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM (DHV), chính thức đưa ngôi trường này trở thành công ty con thứ 19 trong hệ sinh thái của mình.

Được biết, Trường Đại học Hùng Vương với lịch sử 30 năm hình thành, đang chứng kiến đà tăng trưởng doanh thu đáng kể, từ gần 41 tỷ đồng năm 2021 lên hơn 55 tỷ đồng vào năm 2023.
Không chỉ đơn thuần là một thương vụ tài chính, bước đi này phản ánh rõ định hướng dài hạn của Kinh Bắc: đa dạng hóa đầu tư – phát triển bền vững – đóng góp xã hội.
Tập đoàn TTC cũng là một ví dụ tiêu biểu, khi đầu tư vào Trường Đại học Yersin Đà Lạt (YersinUni) từ năm 2022 và mới đây đã khởi công các khối phòng học mới trong khuôn viên trường.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (UPCoM: ITA) là đơn vị gắn liền với Trường Đại học Tân Tạo, nơi doanh thu năm 2022 đã tăng gần 70% so với năm 2021, đạt hơn 95 tỷ đồng.
Một số trường đại học cũng cho thấy tính chủ động trong chiến lược đầu tư tài chính. Trường Đại học Văn Hiến hiện đang là cổ đông lớn nắm 8,7% vốn của Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1) – đơn vị cùng hệ sinh thái Hùng Hậu Holdings.
Chiến lược dài hạn, không ồn ào
Việc đầu tư vào giáo dục đại học không chỉ là bước đi tài chính đơn thuần mà còn thể hiện tư duy chiến lược dài hạn của nhiều doanh nghiệp.
Giáo dục, với đặc thù là lĩnh vực bền vững, có tính ảnh hưởng xã hội sâu rộng đang dần trở thành một “tài sản mềm” mà các tập đoàn muốn xây dựng trong hệ sinh thái của mình.
VinUni – đại học do Vingroup sở hữu là một minh chứng. Dù mới vận hành vài năm, trường đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ gần 70 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 177 tỷ đồng vào năm 2022. Năm 2025, Vingroup dự kiến đầu tư thêm 9.300 tỷ đồng để tiếp tục phát triển VinUni, với mục tiêu lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu thế giới.
Không chỉ tập trung vào tăng trưởng số lượng tuyển sinh, nhiều trường đang mở rộng hạ tầng và đầu tư mạnh vào thương hiệu. Tân Tạo, Yersin, Văn Lang, hay Nguyễn Tất Thành đều có những kế hoạch phát triển dài hạn, bao gồm mở rộng cơ sở vật chất, tăng chỉ tiêu, mở mới các chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Hành lang chính sách đang mở rộng
Sự tham gia của khu vực tư nhân vào giáo dục đại học ngày càng được khuyến khích từ phía Nhà nước. Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra những định hướng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục – đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và đại học chất lượng cao.
Trong năm 2025, Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát và loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đồng thời cho phép doanh nghiệp được tính chi phí đào tạo và đào tạo lại vào khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp không chỉ đầu tư mà còn chủ động tham gia sâu vào việc phát triển nguồn nhân lực – yếu tố sống còn trong chiến lược tăng trưởng dài hạn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2023, cả nước có 243 trường đại học, trong đó có 67 trường ngoài công lập – một tỷ lệ còn khiêm tốn nhưng đang tăng dần và đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Nhìn lại hành trình phát triển của các trường đại học ngoài công lập thời gian qua, có thể thấy cuộc chơi giữa doanh nghiệp và giáo dục không còn là xu hướng nhất thời. Đây là một cuộc đầu tư mang tính dài hạn, vừa có hiệu quả kinh tế, vừa tạo ra giá trị xã hội bền vững. Với sự hậu thuẫn tài chính và chiến lược từ các tập đoàn, những ngôi trường đại học ngoài công lập đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế – tri thức quốc gia.
Trong tương lai gần, khi hành lang pháp lý được tháo gỡ, tính cạnh tranh tăng cao và yêu cầu về chất lượng đào tạo ngày càng khắt khe, các ngôi trường sẽ không thể chỉ dựa vào hình thức “tư nhân hóa”. Sự khác biệt sẽ đến từ việc trường nào thực sự có chiến lược phát triển dài hạn, đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, và một tầm nhìn giáo dục đúng nghĩa.