Cơ hội phát triển nền kinh tế xanh
Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) tổ chức chiều 16/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp và hiện nay cũng là nước có thế mạnh về nông nghiệp.
Trong bối cảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội và sức ép về việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh càng cấp thiết. Do đó, phát triển KTTH trong nông nghiệp là bước đi tất yếu của Việt Nam.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường…
Triển khai các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp hiện đang áp dụng các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ tư duy kinh tế tuyến tính sang tư duy KTTH với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh.
Trong đó, tư duy kinh tế tuyến tính theo mô hình “Khai thác - Sản xuất - Tiêu dùng - Thải bỏ”, dẫn đến hậu quả là tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, rác thải gia tăng, môi trường ô nhiễm.
Tư duy KTTH theo mô hình “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế”, hay “Phụ phẩm của quy trình sản xuất này có thể trở thành nguyên liệu chính của quy trình sản xuất tiếp theo”, giúp giảm khai thác tài nguyên, giảm rác thải, tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sáng tạo, tối ưu hóa lợi nhuận ngắn hạn và lợi ích dài hạn.
“Tư duy KTTH không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại…”- Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) thông tin, Việt Nam hiện là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. Theo thống kê của Bộ NN&MT, có hơn 156 triệu tấn phụ phẩm/năm (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi…); bên cạnh đó có nhiều mô hình tuần hoàn truyền thống như: vườn ao chuồng (VAC), mỗi xã một sản phẩn (OCOP), hợp tác xã (HTX)…
“Nhu cầu quốc tế và trong nước ngày càng tăng với nông sản xanh – tuần hoàn – carbon thấp; cùng với đó là sự vào cuộc của DN, HTX tiên phong bước đầu tích cực. Có thể nói, tiềm năng thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam đang trở nên vô cùng to lớn…”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Chưa tận dụng được tiềm năng
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, mặc dù rất có tiềm năng phát triển KTTH trong nông nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35% và ở chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm.
Một loạt nguyên nhân được chỉ ra, đó là: Thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn và chứng nhận còn hạn chế, làm tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của DN, HTX;
Đặc biệt thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; Thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm - chuỗi - phát thải, cũng như chưa có nền tảng số hỗ trợ cho các DN.
Từ thực tế hoạt động, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng DN Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 đã chỉ ra 3 rào cản chính trong triển khai KTTH trong nông nghiệp, đó là: cơ chế chính sách; vốn và công nghệ; tư duy sản xuất.
“Các DN nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ tái chế, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, liên kết vùng và chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, nhiều DN hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan. Đặc biệt, nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất tăng trọng mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài. Trong khi đó, sản xuất tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đầu tư dài hạn và thay đổi cách tiếp cận trong quản trị sản xuất…” - Chủ tịch VCAC phân tích.
Theo ông, để KTTH trong nông nghiệp trở thành xu thế chủ đạo, cần sớm hình thành một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh; ưu đãi thuế và đất đai cho DN đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn; phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo nhân lực và thúc đẩy kết nối thị trường…
Cần thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết
Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đặc biệt lưu ý rào cản đất đai và vốn.
Theo ông, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các DN, HTX gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; Tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế.
“Nếu nông dân sẵn sàng, DN vào cuộc thì cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn”- Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Trong đó, nền tảng hỗ trợ đầu tiên cần có là khung pháp lý hoàn thiện hỗ trợ DN, nông dân tiếp cận đất đai, vốn thuận lợi hơn, khuyến khích nông hộ chuyển đổi theo mô hình bền vững này.
Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa DN với HTX, đây là mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - DN đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản – HTX, nông dân.
Đặc biệt, Nhà nước nên có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.
Và quan trọng hơn hết, cần có giải pháp dài hạn là đưa DN đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của DN, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp.
“Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, HTX, DN nông nghiệp, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Thanh Thanh