Sau quý gần như trắng tay, PPC vẫn “án binh” trước sức ép cải tổ từ cổ đông lớn

17/07/2025 - 23:37
(Bankviet.com) Dù lợi nhuận quý II giảm tới 94%, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vẫn chưa có động thái rõ ràng trước yêu cầu cải tổ chiến lược từ các cổ đông lớn như REE và Samarang.
Cáo bạch tài chính

Sau quý gần như trắng tay, PPC vẫn “án binh” trước sức ép cải tổ từ cổ đông lớn

Thu Hà 17/07/2025 10:07

Dù lợi nhuận quý II giảm tới 94%, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) vẫn chưa có động thái rõ ràng trước yêu cầu cải tổ chiến lược từ các cổ đông lớn như REE và Samarang.

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với bức tranh tài chính kém tươi sáng. Doanh thu thuần giảm còn 1.940 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm nhẹ 18%, khiến lợi nhuận gộp gần như bốc hơi, chỉ còn khoảng 26 tỷ đồng, chưa bằng một phần năm so với mức 128 tỷ đồng cùng kỳ.

ppc.jpg
Bước sang năm 2025, Phả Lại đặt mục tiêu sản lượng điện gần 5 tỷ kWh, doanh thu vượt 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10%, còn 395 tỷ đồng

Nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng sụt mạnh, từ 18,6 tỷ đồng xuống chỉ còn 2,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Phả Lại chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 58,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức giảm 77%.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 25/6, hiệu suất hoạt động của dây chuyền 1 (DC1) – tổ hợp đã gắn bó với Phả Lại từ năm 1983 trở thành tâm điểm bàn luận. Với tuổi đời hơn 40 năm và tổng công suất 440MW, DC1 đang gặp khó khăn về hiệu quả vận hành, tiêu hao nhiều nhiên liệu và cần bảo trì lớn.

REE – cổ đông chiến lược sở hữu trên 20% cổ phần PPC tiếp tục thúc giục ban lãnh đạo cân nhắc việc dừng hoạt động DC1 nếu không cải thiện được chỉ số hao nhiệt. Theo REE, tiếp tục duy trì dây chuyền kém hiệu quả là một sự lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp. Thay vào đó, REE đề xuất PPC chuyển hướng sang đầu tư nhà máy điện linh hoạt công suất 1.200MW, đã nằm trong danh sách dự án bổ sung thuộc Quy hoạch điện VIII.

Chung quan điểm, quỹ đầu tư nước ngoài Samarang Ucits – cổ đông nắm gần 5% vốn – cũng lên tiếng về việc nên tạm dừng DC1. Quỹ cho rằng nên chỉ tái vận hành sau khi hoàn tất quá trình sửa chữa, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế.

Đáp lại, đại diện ban điều hành PPC cho biết sẽ vẫn duy trì vận hành DC1 để bảo đảm nhiệm vụ cung ứng điện theo hợp đồng điều độ quốc gia. Công ty cũng cam kết triển khai các biện pháp sửa chữa và nâng cấp nhằm cải thiện hiệu suất. Việc chậm trễ sửa chữa, theo lãnh đạo PPC, phần lớn do nguồn lực bị phân tán cho dự án Phả Lại 3 – hiện đã bị hủy bỏ vì không được phê duyệt quy hoạch, cùng với đó là tình trạng khan hiếm vật tư kỹ thuật do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh DC1, dây chuyền 2 của nhà máy cũng không còn mới, đã vận hành hơn 20 năm trong điều kiện khắc nghiệt với công suất 600MW. Cả hai dây chuyền đều đang đứng trước áp lực cải tạo để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Ngoài câu chuyện kỹ thuật, vấn đề phân phối lợi nhuận cũng khiến không khí đại hội thêm phần căng thẳng. Năm 2024, PPC ghi nhận doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 427 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất chia cổ tức tiền mặt ở mức 7% – tương đương 224 tỷ đồng – lại không thuyết phục được toàn bộ cổ đông.

Chỉ có hơn 68% số phiếu tán thành phương án cổ tức, trong khi phần còn lại, gồm cả REE phản đối. REE cho rằng nên tăng cổ tức lên 12% để phản ánh đúng năng lực tài chính hiện tại. Đồng thời, REE kiến nghị giới hạn mức trích quỹ khen thưởng phúc lợi không vượt quá 2 tháng lương và không tiếp tục trích vào quỹ đầu tư phát triển, do quỹ này đã tích lũy tới 659 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Quỹ Samarang cũng đồng tình, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng, PPC nên ưu tiên phân phối lợi nhuận cho cổ đông thay vì tiếp tục “đóng băng” tiền trong các quỹ.

Phản hồi ý kiến này, ban lãnh đạo PPC giải thích rằng với tư cách là doanh nghiệp Nhà nước – khi Tổng công ty Phát điện 2 (EVN Genco2) nắm giữ hơn 51% cổ phần – công ty buộc phải tuân thủ các quy định về trích lập quỹ theo khung pháp lý áp dụng cho khối doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước.

Bước sang năm 2025, Phả Lại đặt mục tiêu sản lượng điện gần 5 tỷ kWh, doanh thu vượt 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10%, còn 395 tỷ đồng. Cổ tức theo kế hoạch cũng bị hạ về mức 5%, và tương tự như năm trước, phương án này chỉ nhận được 68% cổ đông chấp thuận.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, hiệu suất máy móc cũ kỹ, tranh cãi nội bộ kéo dài và dòng tiền bị phân tán, tương lai của PPC đang phụ thuộc lớn vào khả năng tái cơ cấu chiến lược, đặc biệt là quyết định cuối cùng đối với số phận của DC1.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán