Thị trường HRC có thay đổi lớn, Hòa Phát (HPG) đón cơn gió thuận
Thuế mới áp lên thép nhập khẩu từ quốc gia này được dự báo sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trên thị trường HRC, trong đó Hòa Phát được coi là hưởng lợi nhiều nhất.
Ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT, xác lập việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng lúc, cơ quan này cũng công bố kết thúc điều tra đối với sản phẩm cùng loại xuất xứ Ấn Độ do lượng nhập khẩu không đáng kể.

Theo quyết định mới, mức thuế CBPG dành cho hàng thép Trung Quốc dao động từ 23,1% đến 27,83%. Thuế suất này chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2025 và dự kiến áp dụng liên tục trong vòng 5 năm, trừ khi được gia hạn, điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo các quy định hiện hành.
Nhóm sản phẩm bị áp thuế bao gồm thép và thép hợp kim (kể cả có hoặc không có hợp kim), ở dạng cán phẳng, cán nóng, độ dày từ 1,2 mm đến 25,4 mm, chiều rộng không vượt quá 1.880 mm. Các sản phẩm này chưa qua xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ, tráng hoặc bôi dầu, đồng thời hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số loại thép không gỉ và thép cán nóng dạng tấm được loại khỏi diện áp thuế.
Cuộc điều tra trước đó của Bộ Công Thương xác định thép cán nóng nhập từ cả Trung Quốc và Ấn Độ có hiện tượng bán phá giá, làm tổn hại đến ngành sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, lượng hàng từ Ấn Độ chiếm dưới 3% tổng kim ngạch nhập khẩu nên không bị áp dụng biện pháp phòng vệ. Trong khi đó, các bằng chứng cho thấy lượng lớn thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam đã tác động tiêu cực, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất nội địa.
Trước thời điểm ra quyết định chính thức, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã từng áp dụng biện pháp thuế CBPG tạm thời với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực 120 ngày (8/3–6/7/2025).
Năm 2024, theo yêu cầu của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Bộ Công Thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Dữ liệu hải quan cho thấy, trong năm ngoái, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc lên tới 12,6 triệu tấn, tăng trên 33% so với năm 2023. Đáng chú ý, ngay cả sau khi quyết định điều tra được ban hành vào tháng 7/2024, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh, cho thấy xu hướng lấn át thị trường thép trong nước.
Động thái áp thuế CBPG chính thức lần này được xem là biện pháp hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước, nhất là khi trước đây giá bán nội địa thường cao hơn giá nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc thiết lập thuế suất gần 28% dự kiến sẽ làm giảm ưu thế giá của thép nhập khẩu, tạo điều kiện cho thép sản xuất trong nước cạnh tranh tốt hơn.
Hiện nay, Việt Nam chỉ có hai nhà sản xuất lớn có khả năng cung ứng HRC là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh (FHS), với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn mỗi năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa đạt khoảng 13 triệu tấn.
Ngoài ra, một tên tuổi lớn đến từ Ninh Bình là Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã khởi công Tổ hợp Dự án Thép xanh Nam Định với tổng vốn đầu tư vượt 98.000 tỷ đồng, công suất thiết kế lên đến 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng chiếm tới 7,5 triệu tấn được đánh giá sẽ là một nhà sản xuất thép lớn trong tương lai gần.
Trong số các doanh nghiệp kể trên, Hòa Phát được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ biện pháp này, bởi dự án Dung Quất 2 đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến nâng công suất sản xuất HRC của tập đoàn từ 4 triệu lên 6,8 triệu tấn/năm, tương đương mức tăng khoảng 70%.