Trước khi ngỏ ý làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam, nhà thầu nước bạn này đã từng tạo địa chấn ngay tại Đông Nam Á
Nhà thầu từng ghi dấu ấn khổng lồ tại một nước Đông Nam Á vừa bày tỏ mong muốn tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) – một trong những doanh nghiệp hạ tầng lớn nhất thế giới – đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tên tuổi của tập đoàn này không xa lạ với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Malaysia – nơi CCCC và công ty con China Harbour Engineering (CHEC) để lại nhiều dấu ấn lớn.

Theo tờ The Edge Malaysia, nhà thầu CCCC hiện là đơn vị chính triển khai dự án Đường sắt Liên kết Bờ Đông (ECRL) – tuyến đường sắt dài 665km, kết nối khu vực bờ đông Malaysia với thủ đô Kuala Lumpur. Đây là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất Malaysia hiện nay, với tổng mức đầu tư nhiều tỷ USD và được xem là biểu tượng hợp tác đầu tư Trung – Malaysia trong lĩnh vực giao thông.
Tuy nhiên, ECRL chỉ là một phần trong hệ thống dự án trải dài mà CCCC hiện diện tại Malaysia. Tập đoàn này bắt đầu xuất hiện tại thị trường Malaysia từ những năm 1990 và chủ yếu hoạt động thông qua CHEC – công ty con chuyên về thi công cảng biển, đường cao tốc và cầu đường sắt.
Trong gần ba thập kỷ, CHEC đã thực hiện hàng loạt dự án đáng chú ý tại Malaysia, từ các tuyến cao tốc Damansara – Shah Alam, Sungai Besi – Ulu Kelang đến cầu truyền tải điện 275kV vượt biển tại Penang, các công trình cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng cảng biển, ụ tàu, bến xếp dỡ hàng hóa tại Johor, Melaka, Sabah… Gần đây, công ty còn tham gia xây dựng hệ thống giao thông đô thị Kuching (KUTS) tại bang Sarawak, bao gồm tuyến đường sắt nội đô dài hơn 12km, kết hợp cả đường sắt trên cao và dưới mặt đất, cùng 8 nhà ga hiện đại.
CHEC cũng là nhà thầu phần đường ray phía Malaysia trong hệ thống kết nối tàu điện nhanh (RTS) giữa Singapore và Johor Bahru – dự án có ý nghĩa chiến lược về kinh tế và giao thông khu vực.

Tại Việt Nam, sự hiện diện của CCCC bắt đầu từ sớm, trải dài qua nhiều dự án lớn như các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt đô thị. Tổng giá trị các gói thầu mà tập đoàn này đã thực hiện tại Việt Nam tính đến nay vượt 3 tỷ USD. Đặc biệt, trong lĩnh vực đường sắt và metro, CCCC từng tham gia các gói thầu tại Hà Nội và TP.HCM, để lại nhiều kinh nghiệm thi công cũng như vận hành trong môi trường hạ tầng đô thị phức tạp.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 24/6, Chủ tịch CCCC – ông Vương Đồng Trụ – đã có cuộc gặp riêng với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Tại cuộc gặp này, ông Vương bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án trọng điểm, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến metro lớn tại Hà Nội và TP.HCM, cùng nhiều cảng biển và dự án năng lượng tái tạo.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và hoan nghênh định hướng hợp tác của CCCC. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh chủ trương phát triển công nghiệp xây dựng đường sắt hiện đại, hướng tới tự chủ về công nghệ và kỹ thuật trong tương lai. Thủ tướng đề nghị CCCC phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên trách trong nước như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các Ban quản lý dự án ở Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt khuyến khích nghiên cứu mô hình đối tác công tư (PPP) – hướng đi đang được Chính phủ ưu tiên để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho các công trình hạ tầng lớn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, với nhiều phương án đang được các bộ, ngành nghiên cứu và trình Chính phủ. Trong khi các doanh nghiệp nội địa như Vingroup, THACO, Đèo Cả đã lần lượt thể hiện sự quan tâm và bước đầu chuẩn bị nguồn lực, sự xuất hiện trở lại của những nhà thầu quốc tế giàu kinh nghiệm như CCCC đang tạo thêm một đối trọng đáng chú ý trong bức tranh cạnh tranh dự án.
Dù chưa có thông tin chính thức về khả năng tham gia thầu hay đối tác cụ thể, nhưng việc một nhà thầu quốc tế lớn từng thi công hàng loạt dự án đường sắt ở châu Á chủ động đề xuất với Chính phủ Việt Nam cho thấy sức hút của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam – công trình được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn diện diện mạo giao thông quốc gia trong vài thập kỷ tới.