Tỷ trọng đồng Rúp trong thanh toán xuất khẩu lần đầu tiên vượt quá 50%

08/07/2025 - 18:09
(Bankviet.com) Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, khối lượng các hợp đồng xuất khẩu được thanh toán bằng đồng Rúp đã đạt mức kỷ lục 52,3%. Đây là mức tăng 11,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ tháng 4 năm ngoái.

Tháng 4/2025, tỷ trọng thanh toán bằng đồng Rúp trong xuất khẩu của Nga lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt quá 50%.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, khối lượng các hợp đồng xuất khẩu được thanh toán bằng đồng Rúp đã đạt mức kỷ lục 52,3%. Đây là mức tăng 11,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ tháng 4 năm ngoái.

Việc gia tăng sử dụng đồng Rúp trong các thanh toán quốc tế được ghi nhận ở tất cả các khu vực trên thế giới. Đặc biệt, mức tăng đáng kể được ghi nhận tại các quốc gia châu Phi: trong vòng một năm, tỷ trọng thanh toán bằng Rúp đã tăng 37,7 điểm phần trăm, đạt 98,3%.

Các quốc gia vùng Caribe cũng gần như hoàn toàn chuyển sang thanh toán bằng đồng Rúp, với tỷ trọng đạt 95% (tăng 8,7 điểm phần trăm so với năm trước). Tại khu vực châu Đại Dương, tỷ trọng Rúp Nga tăng từ 68% lên 91,1%; còn ở châu Á, tăng từ 36,7% lên 48,9%.

Tại châu Âu, tỷ lệ này tăng thêm 4,3 điểm phần trăm, đạt 62,8%. Châu Mỹ là một trong những khu vực có mức mức tăng tỷ trọng Rúp Nga cao nhất, tăng 33,7 điểm phần trăm, lên 55,6%.

Đồng thời, tỷ trọng thanh toán xuất khẩu của Nga bằng các đồng tiền của những quốc gia phương Tây (chủ yếu là USD và Euro) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục — 14,1% so với 19,3% cùng kỳ năm trước.

Mức sụt giảm mạnh nhất được ghi nhận tại châu Phi, nơi tỷ trọng của các loại tiền tệ này giảm xuống còn mang tính biểu tượng là 1%. Tại châu Á, con số này là 12,2%; còn tại châu Mỹ - 42,3%.

Tỷ trọng thanh toán bằng đồng tiền của các quốc gia “thân thiện” (như Nhân dân tệ, Dirham UAE, Lira Thổ Nhĩ Kỳ và các loại khác) cũng giảm xuống còn 33,6% so với 40,3% vào tháng 4/2024. Tỷ trọng lớn nhất của các đồng tiền này vẫn được duy trì trong thanh toán với các quốc gia châu Á - ở mức 38,9%, trong khi ở các khu vực khác không vượt quá 10%.

Việc gia tăng tỷ trọng đồng Rúp trong các giao dịch quốc tế phản ánh sự thay đổi trong chính sách kinh tế đối ngoại của Nga. Quá trình này được thúc đẩy mạnh mẽ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây trong giai đoạn 2022–2024, vốn đã hạn chế khả năng tiếp cận của các công ty và ngân hàng Nga với các đồng tiền phương Tây.

Moscow đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thân thiện và mở rộng việc sử dụng nội tệ trong thanh toán xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, than đá, ngũ cốc, phân bón, kim loại và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, chính quyền Nga cũng đã ban hành một loạt quy định nhằm khuyến khích chuyển sang hợp đồng bằng đồng Rúp, bao gồm yêu cầu bắt buộc bán một phần ngoại tệ thu được trên thị trường trong nước và áp dụng các điều kiện đặc biệt cho thanh toán bằng đồng Rúp với các nhà nhập khẩu từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Như vậy, các dữ liệu mới đã khẳng định định hướng chiến lược trong chính sách kinh tế đối ngoại của Nga - chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia, từ đó, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây và các rủi ro tỷ giá.

Nhật Trung

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ