Vừa có đề xuất lớn về cao tốc Bắc-Nam, nhà thầu quen mặt chuẩn bị khởi công dự án hơn 8.400 tỷ đồng
Vừa đưa ra đề xuất lớn liên quan cao tốc Bắc-Nam, nhà thầu quen mặt này lại sắp bước vào một dự án hạ tầng nghìn tỷ đáng chú ý khác.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa gửi báo cáo lên Bộ Xây dựng, thông tin về tiến độ triển khai Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong báo cáo này, Cục đề xuất chọn ngày 19/8/2025 làm thời điểm khởi công dự án.

Dự án do liên danh Trường Hải - Sơn Hải phụ trách, thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Các bên đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng vào ngày 5/6/2025.
Tuyến cao tốc dài 60,24 km, bắt đầu từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũ), kết nối trực tiếp với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm cuối của tuyến đặt tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú), nơi nối tiếp đoạn Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là đoạn then chốt thuộc trục cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài tổng cộng 220 km, đóng vai trò kết nối giao thương giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 8.407,8 tỷ đồng, trong đó khu vực tư nhân huy động 7.107,8 tỷ đồng, còn phần vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng chủ yếu dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo từ doanh nghiệp dự án, tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện kiểm đếm, lập phương án đền bù và bàn giao mặt bằng toàn tuyến, dự kiến hoàn tất trong khoảng quý IV/2025. Riêng đoạn 500m tại nút giao Dầu Giây (từ Km0+300 đến Km0+800) đã được giải phóng mặt bằng sẵn trong quá trình thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tạo điều kiện khởi công sớm.
Doanh nghiệp dự án đã phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để tiếp nhận hồ sơ và chuẩn bị mặt bằng thi công. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đoạn 500m dự kiến sẽ được thẩm định, phê duyệt, đồng thời tiến hành lựa chọn nhà thầu trong tháng 7/2025 để kịp triển khai xây dựng ngay tháng 8/2025.
Theo tiến độ này, dự án có thể tổ chức lễ khởi công chính thức vào ngày 19/8 tại nút giao Dầu Giây, sau đó sẽ triển khai đồng loạt trên toàn tuyến khi mặt bằng và thiết kế thi công được bàn giao, dự kiến từ tháng 12/2025.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn khảo sát và thiết kế sau bước thiết kế cơ sở, dự kiến trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt trong tháng 10/2025 để làm căn cứ lựa chọn nhà thầu xây dựng toàn bộ dự án.
Theo các quy định hiện hành, dự án này được miễn giấy phép xây dựng do thuộc diện Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phê duyệt.
Dự kiến, thời gian thi công công trình sẽ kéo dài 24 tháng kể từ ngày khởi công. Giai đoạn vận hành và thu phí hoàn vốn dự kiến trong 16 năm, 11 tháng, 21 ngày tính từ thời điểm bắt đầu thu phí.
Tuyến cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe. Trong giai đoạn đầu, nền đường rộng 17m và sẽ được mở rộng lên 24,75m khi hoàn chỉnh. Việc sớm khởi công và đưa tuyến Dầu Giây - Tân Phú vào khai thác được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của Đồng Nai cùng các địa phương lân cận, đồng thời giảm tải đáng kể cho Quốc lộ 20 - tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với Đà Lạt.
Tập đoàn Sơn Hải muốn nghiên cứu đầu tư mở rộng 679 km cao tốc Bắc Nam
Tập đoàn Sơn Hải vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ đầu tư dự án nâng cấp, hoàn thiện 679 km tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn nối từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây (Đồng Nai).
Theo đề xuất gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các bộ, ngành liên quan, Sơn Hải mong muốn được giao vai trò đơn vị chính, phối hợp một số nhà đầu tư khác để tiến hành lập hồ sơ đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Doanh nghiệp khẳng định sẽ tuân thủ tiến độ lập hồ sơ dự án, đồng thời cam kết tự chịu chi phí nếu hồ sơ không được chấp thuận.
Đoạn tuyến Quảng Ngãi – Dầu Giây hiện dài 679 km, được xây dựng với quy mô 4 làn xe, nhưng chưa bố trí đầy đủ làn dừng khẩn cấp liên tục. Theo quy hoạch, toàn tuyến sẽ được nâng cấp lên 6 làn xe, đồng bộ với khoảng 500 km cao tốc Bắc – Nam khác trên cả nước.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Sơn Hải cũng từng gửi kiến nghị xin nghiên cứu đầu tư hoàn thiện 263 km cao tốc từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Nha Trang (Khánh Hòa), thuộc cùng tuyến Quảng Ngãi – Dầu Giây, theo phương thức PPP.
Doanh nghiệp cam kết sẽ tự thu xếp toàn bộ nguồn lực tài chính, bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay hợp pháp, không sử dụng ngân sách nhà nước. Dự kiến thời gian thi công không vượt quá 24 tháng và bảo hành công trình kéo dài 10 năm sau khi hoàn thành.
Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư khoảng 1.375 km cao tốc Bắc – Nam, với quy mô từ 2 đến 4 làn xe. Trong đó, 654 km thuộc giai đoạn 1 (2017–2020) đã được đưa vào khai thác, còn 721 km thuộc giai đoạn 2 (2021–2025) đang thi công, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025–2026.
Do hạn chế nguồn lực, nhiều đoạn chỉ mới xây dựng ở mức 2–4 làn xe, chưa đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông ngày càng lớn, tiềm ẩn rủi ro ùn tắc và mất an toàn giao thông. Trước tình hình này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án mở rộng toàn tuyến lên 6 làn xe, hướng đến khởi công một số dự án thành phần ngay từ tháng 12/2025.